Chị Thúy Quyên (37 tuổi, ngụ Đồng Nai) vô sinh do tắc đoạn cuối ống dẫn trứng, loa vòi trứng tổn thương, theo chẩn đoán của bác sĩ 7 năm trước. Chị đã phẫu thuật nội soi thông ống dẫn trứng và tái tạo loa vòi, vẫn không thể có thai.
Năm 2021, vợ chồng chị thụ tinh ống nghiệm (IVF) ở hai bệnh viện với ba lần chuyển phôi, đều thất bại. Họ đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM năm 2022, tìm nguyên nhân vô sinh.
Theo ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến, 40% trường hợp thông ống dẫn trứng tái tạo loa vòi có hiệu quả, khoảng 60% bệnh nhân bị tái ứ dịch vòi trứng. Do đó, bác sĩ không điều trị hỗ trợ sinh sản ngay cho chị Quyên mà kiểm tra toàn diện sức khỏe sinh sản.
Kết quả, hai vòi trứng của chị bị ứ dịch rất nặng. Ngoài ra, dự trữ buồng trứng sắp cạn kiệt, siêu âm chỉ ghi nhận 2-3 nang trứng trong một chu kỳ. Đây là các nguyên nhân khiến chị không có thai tự nhiên sau điều trị và IVF nhiều lần thất bại, bác sĩ Bảo Yến cho biết.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy tại Việt Nam mỗi năm có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Trong đó, tỷ lệ vô sinh do nam chiếm 40%, do nữ 40%, do cả hai vợ chồng và không rõ nguyên nhân đều 10%.
Tại IVF Tâm Anh TP HCM, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những trường hợp vô sinh nhiều năm, điều trị thất bại ở nhiều bệnh viện mà không rõ hoặc không xác định đầy đủ nguyên nhân. Điều này dẫn đến chậm trễ trong thăm khám, điều trị hoặc phương pháp điều trị chưa phù hợp.
Theo bác sĩ Yến, vô sinh có thể do bẩm sinh hoặc các bệnh lý. Rối loạn rụng trứng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 1/4 số trường hợp vô sinh nữ. Tiếp đến là lạc nội mạc tử cung, dính vùng chậu và tắc ống dẫn trứng lần lượt chiếm 15%, 12% và 11%. Còn lại là các bất thường khác ở ống dẫn trứng và tăng prolactin máu.
Với nam giới, có một số bệnh lý dẫn đến vô sinh như các vấn đề liên quan tới sản xuất tinh trùng, rối loạn tình dục, nhiễm trùng đường sinh dục, ung thư tinh hoàn, dương vật, hóa xạ trị... Sức khỏe sinh sản của nam giới còn bị ảnh hưởng bởi môi trường như thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, kim loại nặng, tia xạ, nhiệt độ quá nóng. Những thói quen như tắm nước nóng, mặc quần chật, để laptop lên đùi hoặc điện thoại trong túi quần, uống rượu, hút thuốc lá, hay trầm cảm, tăng cân... cũng là nguyên nhân.
Bác sĩ Yến khuyến cáo vợ chồng quan hệ tình dục đều đặn (trung bình 2-3 lần một tuần) và không sử dụng biện pháp tránh thai mà sau một năm chưa có con nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân, điều trị kịp thời. Nếu người vợ trên 35 tuổi, nên đi khám sau 6 tháng không có thai.
Để xác định chính xác lý do, bác sĩ sẽ khám toàn diện sức khỏe sinh sản hai vợ chồng, điều trị căn nguyên và hỗ trợ sinh sản phù hợp với từng người bệnh, giúp tăng tỷ lệ mang thai và sinh con. Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IUI) là chỉ định đầu tiên với những trường hợp vô sinh không rõ nguyên nhân, hiếm muộn do các bệnh lý ở mức nhẹ.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được áp dụng với những trường hợp khó như từng làm IUI thất bại, vợ chồng lớn tuổi; có nhiều bệnh lý phức tạp, bệnh lý di truyền, vô sinh không rõ nguyên nhân...
Với trường hợp chị Quyên, bác sĩ gom trứng hai chu kỳ, thụ tinh trong ống nghiệm tạo được 5 phôi đem trữ đông. Sau đó, chị được phẫu thuật cắt hai vòi trứng. Đầu năm 2023, bác sĩ chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển một phôi vào buồng tử cung giúp chị có thai. Thai nhi hiện 31 tuần, phát triển khỏe mạnh. Bốn phôi còn lại được lưu trữ để vợ chồng chị sinh thêm con trong tương lai.
Hoài Thương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
20h ngày 6/9, chương trình giao lưu trực tuyến "Tìm hiểu về nguyên nhân vô sinh ở nam và nữ, vô sinh chưa rõ nguyên nhân" phát sóng trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, bệnh viện Tâm Anh TP HCM trực tiếp giải đáp về những nguyên nhân gây vô sinh và phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản hiệu quả. Độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây. |