Anh Phạm Đình Khuyên (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Bình (36 tuổi) đến Bình Dương làm công nhân, nên duyên vợ chồng vào năm 2010. Sau hai năm không có tin vui, anh Khuyên đến bệnh viện tại TP HCM khám, được chẩn đoán không có tinh trùng. Vợ chồng anh từ chối phẫu thuật tìm tinh trùng làm thụ tinh ống nghiệm (IVF), trở lại Bình Dương tự uống các loại thuốc đông y, mong có con tự nhiên.
Ba năm sau, tin vui vẫn không đến. Anh Khuyên quyết định mổ tìm tinh trùng nhưng không có. Trước lời khuyên xin tinh trùng của bác sĩ, anh từ chối.
6 năm trôi qua, vợ chồng anh điều trị thêm tại ba bệnh viện khác nhau, hai lần mổ vi phẫu micro-TESE, một lần tìm được tinh trùng, tạo được ba phôi nhưng chuyển phôi ba lần đều thất bại.
"Đồng lương công nhân ít ỏi, được bao nhiêu chúng tôi dành dụm để chạy chữa. Nhiều người khuyên từ bỏ, xin con nuôi nhưng tôi quyết tâm điều trị tìm con của chính mình", anh Khuyên nói.
Năm 2021, họ đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC) tìm cơ may một lần nữa. Xem các kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ và phẫu thuật micro-TESE tìm tinh trùng trước đó, ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học, khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi ít nhất ba tháng để tinh hoàn có thời gian hồi phục.
Cuối năm đó, anh được phẫu thuật micro-TESE trích tinh trùng từ tinh hoàn và mào tinh, tìm được 9 tinh trùng đủ điều kiện, đưa đi trữ lạnh.
Trong khi đó, chị Bình được xác định suy buồng trứng, có tiền sử tạo phôi xấu, phát triển bất thường. Chị được kích trứng gom noãn trong hai chu kỳ, tạo được 4 phôi. Bệnh nhân bị viêm nội mạc tử cung nặng, các bác sĩ phải chuẩn bị nội mạc tử cung ba lần mới đủ điều kiện chuyển phôi. Đầu tháng 2/2023, chị mang thai. Thai nhi hiện hơn 24 tuần, phát triển khỏe mạnh.
"Lần đầu cảm nhận được con đạp trong bụng, tôi mừng rơi nước mắt. Người hạnh phúc nhất là chồng tôi, vì bao năm kiên trì cuối cùng cũng có kết quả", chị nói và thêm rằng cuộc sống vất vả mấy vợ chồng cũng chịu được, miễn có tiếng bi bô của con mỗi ngày.
Theo bác sĩ Đăng Khoa, vô sinh do không có tinh trùng ảnh hưởng đến khoảng 1% nam giới và chiếm 10% bệnh nhân hiếm muộn nam trên thế giới. Trước đây, người bệnh thường được chỉ định xin tinh trùng, chọc hút tinh trùng hoặc mổ TESE (mở bìu lấy tinh trùng từ tinh hoàn). Tuy nhiên, mổ TESE có khá nhiều hạn chế như tỷ lệ tìm được tinh trùng chỉ đạt 50%, cần lấy nhiều mô tinh hoàn để tìm tinh trùng gây ảnh hưởng tới nội tiết của người bệnh.
Vi phẫu micro-TESE hạn chế được những điểm yếu trên, tăng khả năng thu được tinh trùng khỏe mạnh lên đến 80%. Đặc biệt, kỹ thuật này phù hợp cho những trường hợp nam giới có tinh hoàn rất nhỏ, hạn chế mổ lại, tốn kém thời gian, chi phí và sức khỏe.
Vào lúc 20h ngày 19/7, chương trình tư vấn trực tuyến "Micro-TESE và các kỹ thuật cao cấp điều trị vô sinh nam" sẽ được phát sóng trên fanpage VnExpress và BVĐK Tâm Anh. Các chuyên gia Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP HCM, sẽ chia sẻ về kỹ thuật micro-TESE với những cải tiến của kính vi phẫu giúp tăng tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh nam, giảm chi phí, giảm thời gian phẫu thuật cho người bệnh. Bên cạnh đó là nhiều kỹ thuật hiện đại khác giúp nam giới có con mà không phải xin tinh trùng. Chương trình có sự tham gia của ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học; BS.CKII Vũ Nhật Khang và BS Lê Xuân Nguyên của IVFTA-HCMC. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây. |
Hoài Thương