Trả lời
Ung thư cổ tử cung rất phổ biến, nằm trong top 4 bệnh lý gây tử vong ở phụ nữ trên thế giới. Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Glocoban) năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới và hơn 2.200 ca tử vong do ung thư cổ tử cung.
Trường hợp của chị nên tiếp tục theo dõi, thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ 3-5 năm một lần theo chỉ định của bác sĩ. Với phụ nữ cắt một phần tử cung, vẫn giữ lại phần cổ tử cung, bác sĩ có thể chỉ định các sàng lọc cần thiết nhằm phát hiện sớm dấu ấn ung thư, điều trị kịp thời.
Các triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa khác khiến người bệnh không đi khám, điều trị kịp thời. Phụ nữ đã hoặc chưa quan hệ tình dục đều có khả năng mắc bệnh.
Phụ nữ được khuyến nghị sàng lọc loại ung thư này ba năm một lần (đối với xét nghiệm Pap) và 5 năm một lần (đối với xét nghiệm HPV). Dưới 30 tuổi thường không thực hiện xét nghiệm HPV nếu khám, xét nghiệm Pap không có bất thường.
Hầu hết trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến nhiễm virus (HPV). Trong đó, chủng HPV 16, 18 là tác nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, HPV có liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư âm hộ và dương vật, hậu môn, vùng đầu cổ; mụn cóc sinh dục... Tiêm vaccine phòng HPV trước 26 tuổi có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus HPV.
Phụ nữ nên tầm soát ung thư nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường như chảy máu âm đạo ngoài kỳ kinh, rong kinh, viêm nhiễm phụ khoa mạn tính, đau rát khi quan hệ tình dục hoặc không có biểu hiện nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao như gia đình có tiền sử ung thư cổ tử cung.
Người có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, nhiễm một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs), nhiều bạn tình, nhiễm HIV... cũng cần tầm soát để có hướng điều trị kịp thời.
BS.CKII Ngô Trường Sơn
Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp |