Trả lời:
Thắng lưỡi là lớp màng mỏng bám ở mặt dưới của lưỡi, đầu còn lại nối với khu vực sàn miệng và mô nướu. Dính thắng lưỡi là dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ, dây thắng lưỡi ngắn hoặc dây thắng lưỡi bám tới tận đầu lưỡi, khiến trẻ không thể thực hiện các cử động lưỡi như bình thường, cản trở quá trình phát âm, bú mẹ...
Dính thắng lưỡi thường được phát hiện trong tháng đầu sau sinh, khi trẻ được khám định kỳ. Ngoài ra, dính thắng lưỡi ở trẻ còn có thể quan sát bằng mắt thường với các biểu hiện như đầu lưỡi hình chữ V do dây thắng lưỡi dính đầu lưỡi hoặc cạnh đầu lưỡi, đầu lưỡi hình phẳng hoặc vuông. Trẻ không thể đưa lưỡi ra ngoài, đầu lưỡi không chạm tới vòm họng hoặc chạm vào răng cửa hàm trên, lưỡi không thể di chuyển sang hai bên. Trẻ dính thắng lưỡng thường bú kém, khó ngậm đầu vú, cáu gắt, khóc khi bú. Khi lớn, trẻ rối loạn phát âm như nói ngọng, những âm t, ch, th, d, l, r... nói không rõ.
Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể được chỉ định theo dõi vì chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Theo thời gian, lưỡi có thể phát triển dài hơn, thắng lưỡi mỏng đi giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Nếu sau thời gian theo dõi, triệu chứng không cải thiện, ảnh hưởng tới quá trình phát âm và bú mẹ, bác sĩ cân nhắc cắt thắng lưỡi cho bệnh nhi.
Trẻ trên ba tháng tuổi, đủ sức khỏe mới được thực hiện thủ thuật, không nên để quá lâu, nhất là giai đoạn tập nói vì có thể ảnh hưởng đến nhai nuốt, phát âm sau này. Trường hợp trẻ có triệu chứng rối loạn phát âm, nói ngọng, chậm nói... cần được bác sĩ đánh giá để loại trừ các nguyên nhân khác trước khi chỉ định cắt thắng lưỡi. Không phải tất cả trường hợp dính thắng lưỡi đều cần cắt. Trẻ bị rối loạn đông máu hoặc nhiễm trùng răng miệng không có chỉ định cắt thắng lưỡi.
Cắt thắng lưỡi là kỹ thuật đơn giản, không nguy hiểm. Bệnh nhi được úp mặt nạ tiền mê, bác sĩ sử dụng dao điện lưỡng cực bipolar để cắt thắng lưỡi, thực hiện khoảng 5-10 phút. Trẻ được gây mê trước phẫu thuật nên không cảm thấy đau, sợ hãi. Bipolar là dao mổ điện lưỡng cực sử dụng nhiệt độ thấp, có khả năng cắt đốt, cầm máu tại chỗ, không đau, hạn chế tổn thương mô lành, hạn chế chảy máu trong khi mổ, hồi phục nhanh.
Hậu phẫu, trẻ có thể ăn uống, bú mẹ ngay, xuất viện trong ngày. Sau khi cắt thắng lưỡi sẽ có lớp màng trắng (vệt trắng) xuất hiện ngay tại vị trí cắt nhưng hết sau 7-10 ngày. Phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, nguội, bú mẹ đầy đủ và uống nhiều nước. Không cho trẻ ăn hay ngậm các vật cứng, đồ ăn cứng để tránh tình trạng chảy máu vết mổ. Không cho trẻ sờ vào vết thương và vệ sinh răng miệng sạch để tránh nhiễm trùng.
Cha mẹ hướng dẫn con vận động lưỡi bằng cách đưa lưỡi lên và xuống, uốn lưỡi, đưa lưỡi sang hai bên, thè lưỡi ra ngoài... để tập lại các cử động của lưỡi. Trường hợp con bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được đánh giá mức độ dính thắng lưỡi, chỉ định phù hợp.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như
Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |