Trên 50 tuổi, dường như không còn khả năng để làm mẹ, chị Trương Thị Hải Hằng (sinh năm 1965 tại Hải Dương) đã tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) trong tình trạng gần như tuyệt vọng. Tai nạn giao thông cướp đi cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học, nỗi đau bất ngờ đổ xuống gia đình khiến chị gần như suy sụp hoàn toàn.
Sau 4 lần thực hiện IVF, với sự giúp sức của bác sĩ Lê Hoàng và êkíp IVFTA, chị Hằng đã thành công ở lần chuyển phôi thứ 4, mang thai đôi và hạ sinh một trai, một gái.
Hành trình tìm lại nguồn sống đã mất
Cũng như bao người phụ nữ khác, sau thời gian gắn bó, chị Hằng đã kết hôn với người mình yêu là anh Ngô Xuân Tiến (sinh năm 1960). Sống tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, anh chị đã có với nhau 2 người con. Gia đình 4 người ngỡ sẽ tiếp tục cuộc sống đủ đầy, đầm ấm nhưng năm 2016, tai nạn giao thông đã cướp mất cậu con trai vừa tốt nghiệp đại học.
Niềm hạnh phúc tuổi già, vui vầy bên con cháu ở tuổi ngũ tuần như bao người là điều xa xỉ với chị Hằng. Bi kịch mất con ập đến khiến cho người mẹ như ngã quỵ, không thể nguôi ngoai những đau đớn, xót xa, dằn vặt trong lòng.
Quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh làm IVF, mong mỏi duy nhất của chị là một lần nữa được làm mẹ. Khi được hỏi lý do, chị tâm sự: "Hoàn cảnh của tôi khi ấy rất buồn, tôi biết với độ tuổi này, muốn có thai và sinh con là việc vô cùng khó khăn. Thế nhưng lúc con mất, tôi hẫng hụt và khao khát có thêm một người con để bù đắp lại khoảng trống trong lòng. Tôi chỉ nghĩ đến việc mình phải làm sao để sinh được con, có được con".
Gạt đi nước mắt, chị hiểu rằng mình cần phải cố gắng sống thật kiên cường. Và cũng chính lúc đó, chị đã tìm đến với IVFTA.
Người mẹ lạc quan và nghị lực
Đến với IVFTA ngày đầu tiên, sau khi hoàn tất các xét nghiệm cần thiết, chị Hằng được chẩn đoán mắc vô sinh thứ phát do tuổi cao, dự trữ buồng trứng rất thấp (AMH = 0,01) vì đã bước vào giai đoạn mãn kinh. Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm IVFTA nhận định đây là một ca rất khó bởi người mẹ đã lớn tuổi và không còn đầy đủ các điều kiện mang thai và sinh nở.
Sau khi nghe chị Hằng trình bày hoàn cảnh và tâm sự, cảm động trước mong ước quá lớn của một người mẹ mất con, bác sĩ Lê Hoàng và đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện đã áp dụng mọi kỹ thuật hiện đại nhất để điều trị. Nhớ về ngày đầu tiên đến khám ở Tâm Anh, chị nói: "Tôi biết được thông tin bệnh viện Tâm Anh có trung tâm hỗ trợ sinh sản nên tìm đến. Qua buổi thăm khám đầu tiên, tôi thấy các bác sĩ rất tận tâm, nhiệt tình nên càng quyết tâm làm IVF, quyết định đặt niềm tin vào Tâm Anh".
Chị tâm sự thêm, các bác sĩ, nhân viên y tế ở Tâm Anh hiểu rất rõ hoàn cảnh và tình trạng nên rất tận tình. Đã có lúc chị mặc cảm, tự ti vì biết tuổi tôi cao thế này, khả năng thành công thấp hơn những bệnh nhân khác. Chị còn lo sợ các bác sĩ sẽ nản vì không có nhiều hy vọng, thế nhưng thái độ và hành động của mọi người đã giúp chị tìm lại niềm tin.
Hạnh phúc bất ngờ khi chị thành công ngay từ lần chuyển phôi đầu tiên. Thế nhưng bất hạnh lại nhanh chóng ập đến, chị bị sảy thai. Thời gian ấy, chị cứ buồn, ngày đêm đều ủ rũ. Các bác sĩ luôn động viên, dặn đi dặn lại rằng chị phải phấn chấn, vui vẻ lên bởi tinh thần là thần dược, có sống vui mới có thể sống khỏe. Nhờ vậy, lạc quan hơn, bỏ qua chuyện buồn và tiếp tục hy vọng, đón nhận cái mới.
Chị nhớ lại: "Có lần bạn y tá nói với tôi 'Em rất mong chị sẽ thành công'. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mọi người tại bệnh viện cũng luôn an ủi, động viên để tôi yên tâm điều trị. Ban đầu tôi nghĩ ca của mình khó quá, mọi người chỉ làm qua loa thôi vì sớm muộn gì mình cũng thất bại. Thế nhưng tất cả đều cố gắng hết sức vì tôi, thì tại sao tôi lại không tiếp tục hy vọng?".
Người mẹ trên 50 tuổi tiếp tục làm IVF lần 2 rồi lần 3. Chị nghĩ đây không còn là việc của riêng mình mà là sự cố gắng của cả một tập thể y bác sĩ tại Tâm Anh, nên phải cố gắng, kiên trì. Cũng có lúc chị thấy buồn, chán và nản lòng đến rớt nước mắt nhưng mọi người luôn tâm sự, động viên giúp chị thêm vững tin và có động lực đi tiếp.
"Tôi cứ nghe theo lời các bác, từng bước từng bước vượt qua. Bác Hoàng nói với tôi, tất cả các thuốc men đều chỉ để hỗ trợ, còn liều thuốc hữu hiệu nhất không gì khác ngoài niềm tin. Nghe thế, tôi càng quyết tâm vượt qua, sống phấn chấn, vui tươi hơn", chị xúc động.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Có những khoảnh khắc có thể làm thay đổi cuộc sống của một con người, bù đắp cho họ những nỗi mất mát và mang đến niềm hạnh phúc ngập tràn. Với chị Hằng, đó là khoảnh khắc bác sĩ Lê Hoàng gieo mầm sống vào trong cơ thể chị và sau 3 lần thất bại, thành công đã đến ở lần chuyển phôi thứ 4. Hơn 10 ngày sau chuyển phôi, kết quả beta của chị cao đầy hy vọng: 1239 mIU/mL. Điều kỳ diệu đã xảy ra, chị Hằng lại một lần nữa được làm mẹ, không chỉ một mà đến 2 đứa trẻ.
Chị chia sẻ khi có kết quả beta, cảm xúc lớn nhất là vui mừng xen lẫn nỗi lo không biết sắp tới mình sẽ gặp phải những khó khăn gì. Một lần tôi đến Tâm Anh kiểm tra định kỳ, bác sĩ Hoàng nói với chị rằng chị lo một, nhưng các bác sĩ lo đến 10, chỉ mong chị và 2 cháu luôn khỏe, mẹ tròn con vuông. Câu nói ấy làm chị rất cảm động, chị chia sẻ rằng hạnh phúc ngày hôm nay không chỉ là thành quả của y học mà còn là kết quả từ nỗ lực bản thân và sự tận tâm và cố gắng của các y bác sĩ ở bệnh viện.
Mang thai đôi, hạnh phúc gấp đôi nhưng những lo lắng, rủi ro cũng tăng lên gấp bội. Chị Hằng nói: "Trước đây, tôi có thai tự nhiên, sinh thường nên tôi thấy việc mang thai và sinh con là việc bình thường. Khi mới mang thai, tôi vẫn còn tự tin lắm vì trước đây mình đã từng trải qua một cách rất dễ dàng. Nhưng mang thai ở tuổi 53, quả thật là quá sức với tôi, đầy rẫy những khó khăn. Khoảng thời gian cuối thai kỳ cực kỳ gian nan nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua từng ngày, vì biết sau này sẽ là hạnh phúc".
Gắn bó với trung tâm qua 4 lần IVF và bây giờ là Khoa Sản, chị Hằng cùng các y bác sĩ tại IVFTA đã trở thành những người bạn đồng hành. Chị kể lại mình đã gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn tại đây và sau khi trở về, mọi người đều có kết quả tốt.
Ngày 24/8/2018, chị Hằng hạ sinh một bé trai nặng 2,6kg và một bé gái 2,3kg khỏe mạnh. Chị chia sẻ: "Đến ngày hôm nay khi ôm 2 con trong tay rồi, tôi không diễn tả nổi cảm xúc của mình".
Làm mẹ ở tuổi 53 - câu chuyện tưởng như không thể nay đã trở thành sự thật. Câu chuyện diệu kỳ của chị Hằng được lan truyền như minh chứng cho một phép màu có thật đến từ tình mẹ và từ sự cố gắng, nỗ lực của bác sĩ Lê Hoàng cũng như êkíp y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Đây cũng là nguồn động lực vô cùng lớn lao cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình tìm con.
Chị Hằng chia sẻ bệnh viện Tâm Anh đã đồng hành cùng chị từ rất lâu, từ khi mất cậu con trai năm 2016. Sau này chuyển hẳn xuống Khoa sản, bác Lê cũng dõi theo chị từng chút một còn bác sĩ Hoàng đôi khi vẫn trò chuyện, động viên. Chị cũng cảm nhận được sự lo lắng, quan tâm của mọi người và rất quý, biết ơn các bác sĩ tại đây.
(Nguồn: Bệnh viện Tâm Anh)