Chị Nhi vô sinh 4 năm, hai lần mang thai lưu. Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), chẩn đoán người bệnh khó có con tự nhiên do tắc ống dẫn trứng bên phải, rối loạn nội tiết, chỉ định thụ tinh ống nghiệm.
Chị Nhi được kích thích buồng trứng phác đồ nhẹ, lấy noãn thụ tinh với tinh trùng của chồng tạo thành 12 phôi ngày 5 chất lượng tốt.
Trước khi bác sĩ chuyển phôi vào tử cung, chị được khám sức khỏe tổng thể, trong đó xét nghiệm tình trạng hormone tuyến giáp ghi nhận bất thường. Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết chẩn đoán chị có nhân giáp tirads 5 (mức độ cao nhất trong phân loại khối u tuyến giáp), kết quả sinh thiết xác định mắc ung thư tuyến giáp.
Theo bác sĩ Vỹ, khi phụ nữ mang thai, kích thước tuyến giáp tăng khoảng 30% trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ bởi cùng lúc đáp ứng các hormone cần thiết cho mẹ và thai nhi. Trường hợp có nhân giáp, ung thư tuyến giáp trong thai kỳ có thể phát triển các nốt nhân mới hoặc tăng kích thước và số lượng các nốt đã tồn tại, gây suy giáp dẫn đến biến chứng sảy thai, sinh non, bệnh diễn tiến nặng, khó điều trị hơn. Do đó, toàn bộ phôi thai của vợ chồng chị Nhi được trữ đông, chờ điều trị ổn định ung thư tuyến giáp mới tiếp tục chữa vô sinh.
Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp tùy thuộc giai đoạn, kích thước u. Trường hợp chị Nhi, khối u chưa di căn nên không cần hóa và xạ trị. Đầu năm 2024, chị được các bác sĩ Đơn vị Đầu mặt cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp bán phần. Bệnh nhân được chỉ định bổ sung hormone theo liều để ổn định nội tiết.
Ba tháng sau phẫu thuật, sức khỏe hồi phục tốt, chị Nhi được bác sĩ Vỹ chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện, chuyển một phôi rã đông vào lòng tử cung. Chị đậu thai, thai kỳ hiện 17 tuần phát triển khỏe mạnh.
Bác sĩ Vỹ cho biết tuyến giáp là một trong những cơ quan đóng vai trò rất quan trọng trong sức khỏe sinh sản của phụ nữ bởi quyết định các hormone liên quan đến nội tiết và chức năng buồng trứng. Phụ nữ mắc bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức dẫn đến thừa hormone) hay suy giáp (thiếu hormone giáp) đều có thể rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, vô kinh, gây nguy cơ vô sinh.
Khi mang thai, những bất thường tại tuyến giáp cũng tăng các nguy cơ biến chứng thai kỳ, sảy thai. Do đó, trong quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn, chức năng của tuyến giáp là một trong những yếu tố cần tầm soát.
Tùy tình trạng và phương pháp điều trị, thời gian mang thai của người bệnh khác nhau. Phụ nữ mắc ung thư tuyến giáp nặng cần kết hợp hóa hoặc xạ trị và bổ sung đầy đủ hormone, chờ 2-5 năm để thụ thai. Trường hợp chỉ phẫu thuật như chị Nhi có thể mang thai sau 3 tháng điều trị ổn định, theo dõi sát sao tình trạng hormone tuyến giáp trong thai kỳ.
Ngoài ra, phụ nữ điều trị IVF cũng cần tầm soát bệnh lý ung thư vú, khai thác tiền căn gia đình trước khi kích thích buồng trứng. Trước khi chuyển phôi cần tầm soát thêm các bệnh phụ khoa, ung thư cổ tử cung..., bởi đây là những bệnh lý hàng đầu liên quan đến sức khỏe sinh sản. Sau khi điều trị bệnh lý ổn định, người bệnh được tiếp tục hỗ trợ sinh sản giúp sớm có con, thai phụ và thai nhi khỏe mạnh.
Phụ nữ chưa kết hôn nên cân nhắc trữ trứng bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư. Với phương pháp thụ tinh ống nghiệm, trữ đông phôi giúp phụ nữ đã kết hôn hoặc mong muốn làm mẹ đơn thân chủ động thời điểm chuyển phôi tốt nhất sau điều trị, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tại IVF Tâm Anh TP HCM, nhiều trường hợp được điều trị ung thư ổn định, sau đó sinh con thành công nhờ thụ tinh ống nghiệm. Tỷ lệ IVF ở bệnh nhân sau điều trị ung thư tương đương vợ chồng hiếm muộn bình thường, trung bình 71,5%.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |