Ngày 15/12, BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận như uống thuốc, phẫu thuật nội soi, mổ mở và tán sỏi ngoài cơ thể. Trong đó, tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích là phương pháp tán sỏi nhẹ nhàng nhất vì không xâm lấn, không đau, không chảy máu hay biến chứng, không cần gây mê hoặc gây tê, tránh phải nằm viện sau điều trị.
Phương pháp này phù hợp điều trị sỏi thận, sỏi khúc nối niệu quản với thận kích thước 10-15 mm, không quá cứng. Thời gian thực hiện 45-60 phút, chi phí thấp hơn so với các phương pháp khác như tán sỏi nội soi hay mổ mở lấy sỏi. Người bệnh không cần làm nhiều loại xét nghiệm như khi phẫu thuật.
Máy tán sỏi ngoài cơ thể có hai bộ phận chính. Thứ nhất là "cánh tay" C-Arm có thể xoay 180 độ, được điều khiển từ xa, hoạt động giống máy chụp X-quang, giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí sỏi và chọn góc độ tán sỏi phù hợp.
Thứ hai là nguồn phát sóng tạo ra sóng xung kích thủy điện lực có mức năng lượng cao. Sóng này xuyên qua da, hội tụ và làm vỡ vụn viên sỏi đã định vị nhờ C-Arm. Các mảnh vụn được đào thải qua đường nước tiểu.
Sau điều trị, người bệnh không cần đặt ống thông tiểu hay uống thuốc giảm đau, kháng viêm, chỉ cần chú ý uống nhiều nước (trên hai lít mỗi ngày) để đào thải hết vụn sỏi ra ngoài cơ thể.
Như bà Vân, 56 tuổi, ngụ Đồng Nai, tái phát sỏi thận sau 4 tháng nội soi tán sỏi. Bác sĩ Đạt cho biết viên sỏi trong thận phải người bệnh khá mềm, kích thước nhỏ, khoảng 10 mm nên không cần phẫu thuật, có thể điều trị bằng hệ thống máy tán sỏi ngoài cơ thể.
Tại phòng thủ thuật, người bệnh được tiêm thuốc giảm đau. Bác sĩ điều chỉnh giường điều trị sao cho hông bên phải người bệnh tiếp xúc với nguồn phát sóng. Sau đó, toàn bộ ê kíp sang phòng bên cạnh, nơi đặt màn hình máy tính, bàn điều khiển hệ thống máy tán sỏi. Qua ô cửa kính trong suốt, bác sĩ kiểm soát quá trình vận hành hệ thống máy và theo dõi tình trạng người bệnh suốt thời gian điều trị.
Mỗi lần điều chỉnh tăng mức năng lượng sóng xung kích, bác sĩ Đạt hỏi thăm bà Vân bằng micro kết nối với phòng thủ thuật, bảo đảm người bệnh không cảm thấy đau, khó chịu. Hệ thống máy tán sỏi ngoài cơ thể phát ra âm thanh khá lớn nên người bệnh được đeo tai nghe nhạc, vừa giảm tiếng ồn vừa thư giãn.
Sau 60 phút, trên màn hình máy tính không còn hiển thị dấu vết sỏi, đồng nghĩa sỏi đã được tán hết. Bác sĩ Đạt điều chỉnh cánh tay C-Arm quét xung quanh kiểm tra một lần nữa, truy cập thư mục lưu trữ ảnh chụp vị trí sỏi gửi về từ C-Arm theo các khung thời gian để đối chiếu, so sánh kết quả trước và sau điều trị. Xác nhận không sót mảnh sỏi nào, bác sĩ thông báo kết thúc buổi điều trị.
Bước xuống từ giường, bà Vân không đau, đi lại bình thường, được xuất viện. Tổng thời gian từ lúc đăng ký điều trị đến lúc xuất viện là 6 tiếng.
Sỏi thận là bệnh tiết niệu thường gặp, khoảng 2-12% dân số Việt Nam mắc bệnh, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu để được khám, xác định tình trạng, chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Bác sĩ Đạt lưu ý sỏi thận có khả năng tái phát cao, khoảng 50% trường hợp tái phát sỏi sau điều trị 5-10 năm. Nguyên nhân chủ yếu do chế độ dinh dưỡng, lối sống chưa phù hợp, giúp sỏi dễ hình thành.
Để hạn chế nguy cơ này, người bệnh nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau và trái cây, bớt thịt, hạn chế ăn mặn, không dùng các loại đồ uống sủi bọt, thường xuyên thể dục thể thao.
Thắng Vũ