Nghiên cứu công bố ngày 23/9, tiết lộ virus biến đổi gene có tên gọi RP2, được tiêm trực tiếp vào khối u, từ đó sinh sôi và phá vỡ các tế bào ung thư từ bên trong. Virus cũng có thể chặn một loại protein tên là CTLA-4 làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Từ đó, cơ thể có nhiều cơ hội để chống lại ung thư hơn. Ngoài ra RP2 cũng tạo ra các phân tử kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại căn bệnh.
Liệu pháp đã được thử nghiệm trên 39 bệnh nhân ung thư, gồm ung thư da, thực quản, ung thư đầu và cổ. Các tình nguyện viên không thể đáp ứng với những phương pháp điều trị khác.
Trong các thử nghiệm ban đầu, khối u của 25% số tình nguyện viên ung thư giai đoạn cuối ngừng phát triển, thu nhỏ hoặc biến mất hoàn toàn.
Krzysztof Wojkowski, 39 tuổi, là một trong những người tham gia thử nghiệm. Kể từ khi hoàn thành điều trị vào năm 2020 đến nay, bệnh của anh không tái phát. Anh đã tiêm thuốc hai tuần một lần trong vòng một năm để loại bỏ hoàn toàn bệnh ung thư.
"Tôi được thông báo rằng mình không có lựa chọn nào khác và đang được nhận hình thức trị liệu cuối cùng. Tôi đã khỏi bệnh ung thư hai năm nay. Đây thực sự là một phép màu, không có từ nào khác để mô tả. Tôi có thể đi làm trở lại và dành thời gian cho gia đình", anh nói.
Herpes simplex là một loại virus gây nhiễm trùng phổ biến, có sẵn trong cơ thể nhiều người mà không gây ra bất cứ vấn đề gì. Các nhà nghiên cứu đã xem xét sinh thiết của bệnh nhân trước và sau khi tiêm RP2. Họ nhận thấy những thay đổi tích cực trong "môi trường miễn dịch" của khối u và các khu vực lân cận.
Sau tiêm, thuốc tạo ra nhiều tế bào miễn dịch, gồm tế bào T CD8+ và các gene kích hoạt phản ứng miễn dịch chống ung thư.
Nhóm nghiên cứu cho biết tác dụng phụ của RP2 đều nhẹ. Các phản ứng thường gặp nhất là sốt, ớn lạnh, và mệt mỏi. Không bệnh nhân nào cần can thiệp y tế.
Giáo sư Kristian Helin, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Ung thư, London, cho biết: "Virus là một trong những kẻ thù lâu đời nhất của nhân loại. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của chúng tôi chỉ ra cách khai thác tính năng khiến chúng chống lại tác nhân lây nhiễm, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là nghiên cứu nhỏ, nhưng đầy hứa hẹn".
Theo Kevin Harrington, giáo sư về các liệu pháp điều trị ung thư sinh học tại Viện Nghiên cứu Ung thư, virus biến đổi gene có thể tấn công trực diện vào tế bào ung thư từ bên trong, đồng thời kêu gọi hệ thống miễn dịch chống lại chúng.
"Hiếm thử nghiệm lâm sàng nào có tỷ lệ đáp ứng tốt đến vậy ngay trong giai đoạn đầu. Bởi mục đích chính của chúng tôi chỉ là kiểm tra tính an toàn", ông Harrington nói.
Những phát hiện ban đầu cho thấy virus herpes được biến đổi gene có thể trở thành lựa chọn điều trị mới cho một số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, không đáp ứng các phương pháp điều trị khác.
"Tôi chờ xem liệu chúng ta có tiếp tục thu được kết quả tương tự khi tăng số lượng bệnh nhân điều trị hay không", giáo sư Harrington cho hay.
Thục Linh (Theo Telegraph)