Ngày 23/9, bác sĩ Trịnh Công Định, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, cho biết bệnh nhân đau bụng nhiều, mệt mỏi, sút cân, đại tiện phân lỏng. Kết quả nội soi phát hiện khối u lớn ở đại tràng, sinh thiết xác định ung thư đại tràng phải, biến chứng bán tắc ruột và chảy máu. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt nửa đại tràng phải có khối u kèm theo vét hạch.
Theo ông Định, khối u kích thước lớn, dài 15 cm gây tắc ruột và chảy máu trong lòng ruột. "Trường hợp này đã tiến triển trước đó, nhưng một số người lầm tưởng bị rối loạn tiêu hóa hoặc viêm đại tràng mà không kiểm tra, rất đáng tiếc", bác sĩ nói.
Ung thư trực tràng nằm trong 10 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong danh sách những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chỉ sau ung thư phổi, dạ dày và gan.
Hầu hết trường hợp ung thư trực tràng xảy ra ở người từ 50 tuổi trở lên do họ có nguy cơ cao mắc polyp trực tràng và ung thư trực tràng. Ngoài ra, người có tiền sử hoặc người thân trong gia đình có polyp đại trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng, người có hội chứng đa polyp, viêm loét đại trực tràng... cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Trên thực tế, nhiều người không có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, chỉ đau bụng, gầy sút cân, thiếu máu... nhưng đi khám thì đã phát hiện ra bệnh ung thư. Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa có thể gặp như chướng bụng, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đại tiện bất thường...
Ung thư trực tràng được sàng lọc sớm bằng phương pháp nội soi. Ở giai đoạn đầu, khối u còn nhỏ, tiên lượng tốt, chi phí điều trị bệnh ít tốn kém hơn. Bạn có thể xét nghiệm tìm máu tiềm ẩn trong phân, đây cũng là một trong những cách sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A...; duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên. Hạn chế rượu bia hay thức ăn nhiều mỡ, muối, thức ăn lên men, xông khói...
Minh An