Ở nữ giới, chu kỳ rụng trứng xảy ra theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu bắt đầu từ ngày đầu tiên khi hết kinh nguyệt, đây được gọi là giai đoạn nang trứng. Khi đó, một nang trứng sẽ trở nên lớn hơn phần còn lại và giải phóng một quả trứng trưởng thành. Điều này báo hiệu sự kết thúc của giai đoạn nang trứng, bắt đầu giai đoạn rụng trứng khi trứng được giải phóng khỏi buồng trứng vào ống dẫn trứng.
Giai đoạn tiếp sau rụng trứng được gọi là giai đoạn hoàng thể, thường kéo dài từ 11 đến 17 ngày tính đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Ở giai đoạn này, nang chứa trứng trước khi giải phóng trứng sẽ biến đổi thành thể vàng. Giai đoạn hoàng thể rất quan trọng trong chu kỳ sinh sản. Chức năng chính của hoàng thể là giải phóng hormone progesterone. Hormone này kích thích sự phát triển hoặc dày lên của niêm mạc tử cung ở phụ nữ. Điều này chuẩn bị cho trứng hoặc phôi đã thụ tinh bám vào để làm tổ. Trong thời gian này, cơ thể nữ giới đang chuẩn bị cho khả năng mang thai.
Một số chị em có thể có giai đoạn hoàng thể ngắn (dưới 8 ngày hoặc ít hơn), còn được gọi là giai đoạn hoàng thể khiếm khuyết (LPD). Khi đó, buồng trứng không giải phóng đủ progesterone, kích hoạt niêm mạc tử cung dày lên để phôi đã thụ tinh có thể bám vào để làm tổ. Chính điều này khiến nhiều chị em khó mang thai hơn. Do đó, giai đoạn hoàng thể ngắn có thể góp phần gây vô sinh. Trường hợp hoàng thể không tiết đủ progesterone, niêm mạc tử cung có thể rụng trước khi trứng thụ tinh làm tổ. Điều này có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt sớm hơn.
LPD được cho là có thể do một số yếu tố gây ra như: lạc nội mạc tử cung, tình trạng mà mô phát triển bên ngoài tử cung hay hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), một rối loạn gây ra buồng trứng mở rộng với các u nang nhỏ. Ngoài ra, các bệnh lý về tuyến giáp như rối loạn tuyến giáp, viêm tuyến giáp hay béo phì, tập thể dục quá mức, lão hóa, căng thẳng... cũng có thể gây nên tình trạng hoàng thể ngắn.
Các triệu chứng của giai đoạn hoàng thể ngắn thường không rõ ràng cho tới khi phụ nữ gặp khó khăn trong việc mang thai. Ở những chị em khó sinh con, bác sĩ có thể kiểm tra nhanh một vài yếu tố liên quan như chu kỳ kinh nguyệt sớm hơn bình thường, xuất hiện đốm màu giữa chu kỳ, khó mang thai, sẩy thai... Tuy nhiên, một vài xét nghiệm cụ thể có thể xác định lý do vô sinh là do giai đoạn hoàng thể ngắn hay một tình trạng khác. Các xét nghiệm có thể bao gồm: kiểm tra nồng độ hormone kích thích nang trứng (FSH, một loại hormone do tuyến yên tiết ra để điều chỉnh chức năng buồng trứng), hormone luteinizing (hormone giúp kích thích rụng trứng), progesterone (hormone kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung) hoặc bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết nội mạc tử cung (nếu cần). Trong quá trình sinh thiết, một mẫu nhỏ niêm mạc tử cung sẽ được thu thập và kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định độ dày của lớp lót niêm mạc.
Sau khi bác sĩ xác định nguyên nhân khó mang thai có liên quan đến LPD, điều trị nguyên nhân là bước quan trọng để cải thiện khả năng sinh sản. Nếu giai đoạn hoàng thể ngắn là kết quả của việc tập thể dục hoặc căng thẳng quá mức, việc điều chỉnh chế độ tập luyện hay kiểm soát cảm xúc có thể khiến giai đoạn hoàng thể bình thường trở lại. Một số chị em cũng có thể được khuyên bổ sung progesterone sau khi rụng trứng để giúp niêm mạc tử cung phát triển vừa đủ để hỗ trợ quá trình làm tổ của trứng đã thụ tinh. Các phương pháp điều trị vô sinh khác bao gồm thuốc kích thích buồng trứng clomiphene citrate, thuốc hỗ trợ sinh sản khác...
Bảo Bảo (Theo Healthline)