Chúng tôi được môi giới dẫn đi xem ngôi nhà đang rao bán với giá 4,2 tỷ đồng. Vì không được báo trước nên khi vào xem nhà, vợ chồng tôi khá bất ngờ vì ở phòng khách giữa nhà có bàn thờ vợ chủ nhà còn rất mới, phảng phất nhang khói và tiếng máy đọc kinh. Căn nhà khá cũ, nhưng kết cấu đẹp và vừa ý nên hai bên thống nhất giá 4 tỷ đồng, môi giới hưởng 2% số tiền này và chúng tôi lập hợp đồng đặt cọc 10% ngay lúc đó.
Hợp đồng đặt cọc đúng quy định hiện hành do bên môi giới cung cấp có đầy đủ các điều khoản và "nếu bên bán không đồng ý bán nữa thì phải hoàn trả lại cho bên mua số tiền đặt cọc cùng với một số tiền đền bù hay phạt hợp đồng tương đương khoản cọc (theo cách nói thông thường là hủy hợp đồng sẽ phải đền gấp đôi số cọc). Đúng là không ai muốn dùng đến điều này nên các bên xem như đương nhiên và vui vẻ ký kết ba bên, gồm: bên mua, bên bán và bên môi giới làm chứng.
Ngày hôm sau, chủ nhà, một người lớn hơn tôi khá nhiều tuổi, gọi cho tôi và khẩn khoản nói rằng gia đình đang gặp nhiều khó khăn không giải quyết được nên không thể bán nhà, mong tôi thông cảm lên nhận lại tiền cọc ngay và mong là đừng phải áp dụng điều khoản đền bù hợp đồng như đã ký. Ông chủ nhà yêu cầu tôi đến nhận lại tiền càng sớm càng tốt, nếu để lâu, các con ông sẽ tiêu xài hết không còn đủ tiền để trả lại.
Hôm sau, tôi đến, chủ nhà và hai con ông đã mời môi giới đến cùng với một người lạ được giới thiệu là cháu của chủ nhà và là luật sư. Chủ nhà và anh luật sư trình bày những khó khăn là không thống nhất được cách phân chia tài sản cho các con, vợ ông mới mất nên phần thừa kế của vợ ông sẽ thuộc họ bên ngoại và đó là những người ở xa, không dễ thống nhất phân chia tài sản được...
Tôi không hiểu lắm về luật phân chia tài sản và cũng chẳng hiểu gì về luật thừa kế, nhưng điều gì khởi đầu không suôn sẻ thì tôi cũng không muốn tiếp tục nên đồng ý hủy hợp đồng cọc. Chủ nhà lo lắng và xin không thực hiện điều khoản đền bù trong hợp đồng cọc vì không phải ông ấy không muốn bán nhà nữa mà vì những khó khăn khách quan.
Tôi nói chủ nhà cứ yên tâm, mua bán được thì tốt, còn không thì tôi chỉ cần nhận lại đủ số tiền đã cọc, và không lấy những gì không phải của mình, không có phạt hay đền hợp đồng gì hết. Chủ nhà thở phào như trút được gánh nặng và cảm ơn rối rít. Hợp đồng cọc được hủy trong sự chứng kiến của môi giới, tôi nhận lại đúng số tiền đã cọc.
Thật lòng, tôi cũng thấy tiếc vì không mua được căn nhà vừa ý, nhưng người ta đã không bán thì mình cũng đành vậy. Thấy môi giới buồn thiu, tôi rút một triệu đồng trong túi đưa cho cậu ta, kèm theo vài lời an ủi và chúc may mắn lần sau.
Hôm đó là tối thứ năm. Hai ngày sau, trưa thứ bảy, chủ nhà gọi cho tôi, vui mừng thông báo rằng ông đã giải quyết được các mâu thuẫn trong gia đình và bây giờ có thể bán nhà, nếu tôi trở lại mua ông sẽ bớt cho tôi 1% (nghĩa là khoảng 40 triệu đồng). Mặt khác, chủ nhà cũng sẽ nhận được nhiều hơn lần bán trước 1%, vì lần này ông liên hệ trực tiếp với tôi chứ không thông qua môi giới. Đại khái là 2% lẽ ra phải cho môi giới thì giờ chúng tôi chia đôi.
Tuy nhiên, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn trong lời thỏa thuận này và cũng không thích những thay đổi đột ngột như vậy nên từ chối mua, với lý do "đã tìm được nhà khác rồi và không còn nhu cầu nữa".
Sau này, dù đã mua nhà khác, tôi vẫn nhớ về lần giao dịch không thành công này. Nếu tôi nhận lời trở lại mua căn nhà đó, có thể tôi sẽ được giảm giá 40 triệu đồng và chủ nhà sẽ nhận được nhiều hơn số tiền tương tự nhờ việc qua mặt môi giới. Nhưng cuối cùng tôi đã không làm vậy và không hề thấy tiếc nuối với hành động đó của mình. Đúng - sai, tốt - xấu hay ai hơn - ai thiệt thế nào, tôi xin để các bạn đọc ngoài cuộc đánh giá cho công bằng và khách quan.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.