Khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc", tôi cho rằng đó là một khẩu hiệu tốt, thể hiện quyết tâm cao độ, và xem Covid-19 là mối nguy chung, cần huy động toàn bộ nguồn lực để chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, việc chống giặc không những chỉ cần quân tiền phương mạnh mẽ mà cũng cần bộ phận hầu cần, quân nhu đáp ứng kịp thời, đầy đủ. Trong lịch sử các cuộc chiến, người ta thường chỉ đề cập đến những tướng quân tài giỏi, binh pháp, thế trận hay, tuy nhiên, thứ cũng quan trọng không kém trong mỗi chiến thắng là bộ phận hậu cần lại ít được nhắc đến.
Quay lại chủ đề tăng giá thực phẩm ở TP HCM những ngày vừa qua, một phần chính là do việc đứt gãy nguồn cung. Lý do chủ yếu là bởi: yêu cầu nghiêm ngặt về giấy xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế, và đóng cửa các chợ truyền thống. Việc này đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả của từng quả trứng, từng bó rau, và lớn hơn chính là đời sống của từng "chiến sĩ" ở hậu phương nếu theo khẩu hiệu ở trên. Dịch có thể chưa đến, nhưng đã tác động trực tiếp đến từng bữa ăn của người dân.
Việc yêu cầu giấy xét nghiệm đối với tài xế đường dài, và mỗi địa phương lại có yêu cầu về số ngày có hiệu lực khác nhau đã gây rất nhiều khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa. Một tài xế đường dài có thể đi một chuyến hàng mất cả tuần nhưng giấy xét nghiệm lại chỉ có giá trị trong ba ngày, vậy phải làm sao? Rất may, đến nay, quy định này cũng đã được gỡ bỏ đối với tài xế nếu chỉ đi lại trong 19 tỉnh thành phía Nam.
>> 'Nhiều siêu thị không còn gì để mua'
Về việc đóng chợ truyền thống bản thân từ "truyền thống" cũng đã phản ảnh mức độ quan trọng của nó. Trong phân phối hàng hóa hiện nay, có kênh MT (Modern Trade - kênh hiện đại), kênh online và kênh GT (General Trade - kênh truyền thống). Trong đó, kênh truyền thống đã hoạt động hàng ngàn năm, và hiện tại cũng vẫn đang chiếm thị phần từ 60-70% tại TP HCM.
Vậy việc bắt một kênh phân phối MT chỉ chiếm khoảng 1/3 năng lực, đáp ứng gấp ba lần trong một thời gian ngắn rõ ràng là bất khả thi, huống hồ là trong tình trạng nhà nhà tích trữ. Điều đó dẫn đến những câu chuyện tưởng không bao giờ có như gom hàng trong siêu thị (là nơi đã có giá cao hơn so với chợ trong ngày thường) để bán lại, quả trứng, trái ớt trở thành "trend", biểu tượng của sự "giàu có"...
Quay lại câu hỏi quan trọng hơn, việc đóng cửa các chợ truyền thống có phải biện pháp chống dịch hiệu quả? Nếu nói siêu thị dễ quản lý, dễ điều tra dịch tễ hơn so với chợ truyền thống thì chúng ta có cần đặt câu hỏi ngược lại là làm gì để có thể điều tra dịch tễ ở chợ truyền thống? Nếu cứ cái gì không quản được là cấm sẽ dẫn đến những quyết định kém hiệu quả, quan trọng là phải siết chặt để không vi phạm quy định giãn cách, 5K.
Thực tế cũng đã chứng minh, việc mở lại các chợ truyền thống là việc làm tất yếu nhằm đảm bảo một "hậu phương" vững chắc. Tâm có an, bụng có no thì mới mong thắng được "giặc" Covid-19.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.