"Hà Nội nên tạm dừng dịch vụ mua hộ đồ ăn kiểu này. Nếu ship đồ ăn cho khách đặt mua thì nên là lực lượng giao hàng của chính nơi bán vì đảm bảo nhân thân và đã biết tình trạng y tế của nhân viên họ. Cần làm nghiêm trong kiểm soát y tế shipper và người bán hàng ở các cửa hàng, chợ dân sinh và giãn cách hai mét trong khi giao nhận hàng giai đoạn này. Làm vậy sẽ tránh Hà Nội rơi vào tình cảnh như TP HCM".
Đó là quan điểm của độc giả Hải Phạm trước tình trạng shipper chen chúc lấy hàng sau quy định dừng bán tại chỗ ở Hà Nội. Hiện nay, tại nhiều cửa hàng bán đồ ăn trên địa bàn thủ đô xuất hiện tình trạng các shipper tụ tập trước cửa quán, đông nhất là buổi trưa, chờ đợi lấy hàng đi giao mà không đảm bảo quy định phòng dịch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan Covid-19.
Cùng chung nỗi lo, bạn đọc Hoang Van Dung nhận định: "Shippe không có ý thức, san sát nhau thế này thì nguy cơ lây nhiễm chính từ những người này mà ra chứ đâu. Các cửa hàng không yêu cầu được shipper đứng giãn cách theo quy định thì cũng nên yêu cầu đóng cửa ngay lập tức. Các công ty nhận ship hàng mà không yêu cầu được nhân viên của mình tuân thủ nghiêm chỉnh quy định giãn cách thì công ty đó cũng nên dẹp ngay cho lành".
Cho rằng Hà Nội cần dừng hoạt động bán hàng mang về để tránh rủi ro lây lan dịch bệnh, độc giả Quatledang nhấn mạnh: "Hà Nội cần cấm các nhà hàng bán đồ ăn mang đi vì đội ngũ shipper rất đông, phương tiện phòng dịch sơ sài, tung hoành khắp thành phố, dễ lây lan dịch bệnh. Đã có shipper ở quán pizza tại quận Hai Bà Trưng dính bệnh và có tiếp xúc với 27 F1, chưa kể F2. Rõ ràng, đây là nguồn lây bệnh tiềm tàng rất nguy hiểm".
"Hà Nội Bây giờ vẫn chưa cấm người dân đi ra ngoài đường, xe cộ vẫn để đầy trên vỉa hè. Đường phố vẫn đi lại tấp nập. Trong khi đó, tỷ lệ đặt đồ ăn online hiện nay tăng gấp mấy chục lần lúc trước, lượng shipper đông nghẹt. Nhiều con đường Hà Nội quá bé nên vỉa hè cũng hẹp, chẳng có chỗ đứng. Quán ăn nhiều, đơn đặt ship tăng vọt nên rất khó quản lý. Tốt nhất nên cấm hoạt động này một thời gian, ai cần có thể tự đi mua hoặc nhà hàng có shipper riêng, không cho đặt qua app trung gian nữa", bạn đọc Kehoach nói thêm.
>> 'Nhiều siêu thị không còn gì để mua'
Theo quy định mới nhất của thành phố, từ 0h ngày 13/7, Hà Nội dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Trước nỗi lo của nhiều người khi khó kiểm soát hoạt động ship hàng online, độc giả Hungthinh3102 cho rằng: "Tôi thấy buồn khi rất nhiều người giữ quan điểm tư duy 'không quản được thì cấm'. Đã ai nhìn thấy cảnh hàng dài người xếp hàng mua đồ siêu thị, nhặt từng hạt gạo rớt ra đường, tranh từng con cá hộp trứng rồi về ăn mỳ gói chưa. Chỗ nào vi phạm khoảng cách thì phạt nặng, nhưng đừng vì thế mà nghĩ kiểu cấm luôn cho lành. Một shipper có điện thoại, có app mắc bệnh còn dễ truy vết hơn ai đó ngoài kia ghé qua mua đồ, đi chợ. Biến chủng mới khiến chúng ta phải chấp nhận sống chung với dịch, không phải ai cũng có điều kiện để mà tự nấu ăn".
Đồng quan điểm, bạn đọc Le Vinh Gioi lấy dẫn chứng từ các nước trên thế giới: "Ở châu Âu, dù có phong tỏa nhưng chợ và quán ăn bán mang về cũng không bị cấm. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, việc quan trọng nhất cần làm là nên tuyên truyền cho các quán ăn, các shipper giữ khoảng cách an toàn theo đúng quy định và tránh tập trung đông một lúc".
Nhìn từ bài học Đà Nẵng, độc giả Long Quoc Tran nhấn mạnh: "Đừng thấy không phù hợp là cấm. Hãy học từ Đà Nẵng, cấm rồi lại cho phép trở lại vì nhu cầu ăn uống là rất cơ bản và thiết yếu. Tôi nghĩ rằng, cần tăng cường tuyên truyền và thanh kiểm tra. Tuyên truyền ngay trong app của đơn vị giao hàng, qua truyền thông hay tin nhắn tới shipper; họ có rất nhiều thời gian rảnh khi chờ hàng và khách, sẽ đọc tin thôi".
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Anh vu: "Thật ra, chúng ta phải chọn cách tối ưu, chứ không phải cứ cấm hết là được. Thay vào đó, có thể chỉ cho quán đóng hộp bán sẵn, ví dụ phần cơm 20, 25, 30 nghìn đồng, tài xế đến lấy rồi đi luôn, không được gọi món và chờ làm theo yêu cầu riêng. Các quán cũng phải cam kết tuân thủ 5K, nếu để khách hàng, shipper vi phạm thì sẽ bị xử phạt thật nặng, rút giấy phép kinh doanh. Làm như thế người cần vẫn có đồ ăn, mà quán nào đảm bảo 5K thì vẫn có thu nhập, shipper nghiêm chỉnh chấp hành quy định giãn cách vẫn có việc làm".
Quan điểm của bạn thế nào?
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.