Cholesterol là một chất béo có trong máu, thành phần không thể thiếu để tạo nên màng tế bào. Cơ thể cần cholesterol để sản xuất ra một số hormone, axit mật, vitamin D, hoạt động của não, hệ miễn dịch, đảm bảo chức năng sống, duy trì nòi giống.
Cholesterol không tan trong nước nên được vận chuyển bởi các hạt lipoprotein, bao gồm lipoprotein mật độ thấp (LDL-c) và lipoprotein mật độ cao (HDL-c). Trong đó, LDL - cholesterol được coi là "cholesterol xấu" vì khi dư thừa, chúng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Còn HDL - cholesterol được mệnh danh là "cholesterol tốt" vì chúng dọn dẹp cholesterol dư thừa. Nếu cơ thể tích tụ quá nhiều LDL - cholesterol thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của các cơ quan chức năng.
Hệ thống tim mạch và tuần hoàn
LDL - cholesterol tích tụ trong động mạch làm tắc nghẽn lưu thông máu. Vì vậy tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu. Theo thời gian, khi mảng bám tích tụ trong động mạch, bạn có thể mắc bệnh tim.
Sự tích tụ mảng bám trong động mạch vành có thể làm gián đoạn dòng máu giàu oxy đến cơ tim. Điều này có thể gây đau ngực (gọi là đau thắt ngực). Đau thắt ngực không phải là một cơn đau tim nhưng là sự gián đoạn lưu lượng máu tạm thời, triệu chứng cảnh báo nguy cơ đau tim. Một mảnh mảng bám có thể vỡ ra và tạo thành cục máu đông hoặc động mạch có thể tiếp tục bị thu hẹp, có thể chặn hoàn toàn lưu lượng máu đến tim, dẫn đến cơn đau tim. Nếu quá trình này xảy ra trong các động mạch dẫn đến não có thể dẫn đến đột quỵ.
Mảng bám cũng có thể chặn dòng chảy của máu đến các động mạch cung cấp máu cho đường ruột, chân và bàn chân. Đây được gọi là bệnh động mạch ngoại vi (PAD).
Hệ thống nội tiết
Các tuyến sản xuất hormone của cơ thể sử dụng cholesterol để tạo ra các hormone như estrogen, testosterone và cortisol. Nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol trong cơ thể. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi nồng độ estrogen tăng lên trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nồng độ HDL - cholesterol cũng tăng lên và nồng độ LDL - cholesterol giảm xuống. Đây có thể là một lý do tại sao nguy cơ mắc bệnh tim của phụ nữ tăng lên sau khi mãn kinh, khi nồng độ estrogen giảm xuống.
Giảm sản xuất hormone tuyến giáp (suy giáp) dẫn đến tăng cholesterol toàn phần và LDL. Hormone tuyến giáp dư thừa (cường giáp) có tác dụng ngược lại. Liệu pháp làm giảm mức độ nội tiết tố nam để ngăn chặn sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt, có thể làm tăng mức cholesterol LDL. Sự thiếu hụt hormone tăng trưởng cũng có thể làm tăng mức cholesterol LDL.
Hệ thần kinh
Cholesterol là một thành phần thiết yếu của bộ não con người. Não chứa khoảng 25% nguồn cholesterol của cơ thể. Chất béo cần thiết cho sự phát triển, bảo vệ các tế bào thần kinh, giúp não giao tiếp với phần còn lại của cơ thể.
Mặc dù cần cholesterol để não hoạt động tối ưu nhưng quá nhiều có thể gây hại. Dư thừa cholesterol trong động mạch có thể dẫn đến đột quỵ.
Bản thân cholesterol trong máu cao cũng liên quan đến việc mất trí nhớ và chức năng tâm thần. Lượng cholesterol cao có thể đẩy nhanh quá trình hình thành các mảng beta-amyloid, gây tổn thương não ở những người mắc bệnh Alzheimer.
Hệ thống tiêu hóa
Trong hệ thống tiêu hóa, cholesterol cần thiết cho việc sản xuất mật, một chất giúp cơ thể phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột. Tuy nhiên nếu có quá nhiều cholesterol trong mật, lượng dư thừa sẽ hình thành tinh thể, sau đó là sỏi cứng trong túi mật.
Mỗi người nên theo dõi mức cholesterol bằng các xét nghiệm máu được khuyến nghị. Duy trì việc vận động, bổ sung vitamin, chất xơ, bỏ thuốc lá, rượu bia góp phần giúp duy trì cholesterol ở mức ổn định, bảo vệ tim mạch.
Lê Nguyễn (Theo Healthline)