Trẻ vừa sinh ra đã có mức cholesterol trong máu cao thì được chẩn đoán là tình trạng cholesterol cao di truyền, còn gọi là tăng cholesterol máu gia đình. Tình trạng này được di truyền từ cha mẹ sang con cái.
Tình trạng tăng cholesterol có thể gây ra sự tích tụ chất béo tạo, mảng bám trong động mạch. Vì vậy, người bị tăng cholesterol máu gia đình sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong tương lai.
Cholesterol cao di truyền do các thụ thể cholesterol xấu (LDL) bị lỗi không thể luân chuyển cholesterol từ máu qua gan. Trong khi đó, gan nhận tín hiệu sai rằng cơ thể không nhận được bất kỳ lượng cholesterol nào và tiếp tục sản xuất nhiều hơn. Điều này làm cho những người bị cholesterol cao di truyền rất khó giảm cholesterol. Đặc biệt, không có chế độ ăn kiêng, tập thể dục hoặc lựa chọn lối sống tốt nào có thể ngăn gan sản xuất nhiều cholesterol.
Hầu hết người mắc cholesterol cao di truyền không có các triệu chứng nên khó chẩn đoán. Một số khác bị lắng đọng cholesterol tiến triển thành các nốt sưng nhỏ xung quanh mắt hoặc gân. Trẻ gặp tình trạng này có thể phát hiện qua tầm soát sàng lọc.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nếu không được chẩn đoán và điều trị, những người mắc cholesterol cao di truyền có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 20 lần người bình thường. Nếu cha hoặc mẹ bị cholesterol cao di truyền, 50% khả năng con cái của họ sẽ thừa hưởng bất thường này. Trường hợp nghiêm trọng có thể phát triển thành bệnh tim.
Mặc dù lối sống lành mạnh không thể khắc phục tình trạng cholesterol cao di truyền nhưng tuân theo chế độ ăn uống ít chất béo, dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, từ bỏ các thói quen xấu như hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu... có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
Theo Everyday Health, đối với gia đình bố hoặc mẹ có tiền sử cholesterol cao, phụ huynh nên cho trẻ đi kiểm tra lipid phổ quát ngay khi con 2 tuổi và tầm soát ở độ tuổi từ 9-11 để kiểm tra nguy cơ. Trẻ được điều trị khi còn nhỏ, trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch sớm.
Hà Phượng (Theo Everyday Health)