Cholesterol là một chất béo quan trọng, cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá ngưỡng cần thiết sẽ làm lắng đọng các mảng lipid, tích tụ lâu ngày sẽ hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở thành mạch máu. Điều này dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Cholesterol cao thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Lượng cholesterol và chất béo trung tính cao đôi khi có thể dẫn đến những thay đổi rõ rệt trên da từ nhẹ đến nặng. Dưới đây là một số trường hợp phổ biến, theo Healthline.
Xanthelasma
Ban vàng mi mắt (xanthelasma) là một dạng bệnh xảy ra khi có rối loạn chuyển biến lipid, tổn thương cơ bản là các u, ban vàng. Ban vàng là những thâm nhiễm da màu vàng, không nổi cao lên mặt da.
Bệnh vẩy nến
Bệnh vẩy nến là một tình trạng viêm gây ra các mảng da nổi lên, đỏ, ngứa do sự thay đổi nhanh bất thường của tế bào da. Đây là rối loạn tự miễn dịch mạn tính gây ra phản ứng viêm trong cơ thể. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mạch máu, gây nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Theo các nghiên cứu thì có mối liên hệ giữa bệnh vẩy nến, mức cholesterol cao. Vì vậy, nếu mắc bệnh bạn có thể cân nhắc kiểm tra mức cholesterol, chất béo trung tính.
Thuyên tắc cholesterol
Thuyên tắc cholesterol xảy ra khi tinh thể được tạo thành từ cholesterol, các phân tử khác (tiểu cầu, protein) thoát ra khỏi lớp niêm mạc của động mạch lớn. Khi di chuyển qua các mạch máu đến mạch máu nhỏ hơn, tinh thể có thể ngăn chặn dòng chảy của máu, gây viêm. Sự tắc nghẽn, viêm nhiễm này có thể làm hỏng cơ quan hoặc mô chứa mạch máu đó.
Thuyên tắc cholesterol có thể gây ra triệu chứng: sốt, mệt mỏi, giảm cân, ăn mất ngon, loét da, đau chân hoặc ngón chân, mù đột ngột, đau đầu...
Người bệnh bị thuyên tắc cholesterol được khuyến nghị áp dụng lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc biến cố tim mạch trong tương lai. Những thói quen tốt bao gồm: bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, giảm cân nếu thừa cân, giảm căng thẳng, ăn uống cân bằng.
Triệu chứng livedo reticularis
Livedo reticularis là một ban đỏ trên da do rối loạn lưu lượng máu. Tình trạng thường xuất hiện trên đùi, bàn chân, ngón chân, mông, cẳng chân... Nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này, bao gồm cả thuyên tắc cholesterol.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị, tất cả người lớn tuổi 20 trở lên nên làm xét nghiệm cholesterol, 5 năm một lần đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp. Nếu bạn nằm trong các trường hợp như bị bệnh tim; có tiền sử gia đình bị cholesterol cao hoặc đau tim sớm, đột quỵ, mắc bệnh tiểu đường cần kiểm tra sức khỏe, mức cholesterol thường xuyên.
Nếu tình trạng tổn thương da là do cholesterol cao, các chuyên gia sẽ khuyến nghị thay đổi lối sống như: duy trì chế độ ăn khoa học, tập thể dục, góp phần giúp giảm căng thẳng, cai thuốc lá, sử dụng thuốc giảm cholesterol nếu cần, quản lý mức cholesterol, chất béo trung tính.
Lê Nguyễn