Ăn dặm là cho trẻ ăn những thức ăn khác ngoài sữa mẹ, thường bắt đầu lúc 6 tháng tuổi. Trước 6 tháng, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nếu trẻ ăn dặm có nguy cơ cao rối loạn tiêu hóa, dị ứng thực phẩm.
Chuyên viên dinh dưỡng Đỗ Thị Lan, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thời điểm ăn dặm, cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng, vitamin, khoáng chất để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Dấu hiệu trẻ sẵn sàng ăn dặm như ngồi vững, kiểm soát tốt đầu cổ, hào hứng khi thấy thức ăn hoặc nhìn người khác ăn, với tay lấy đồ ăn, đưa đồ vật lên miệng, thường xuyên nhai.
Bữa ăn của trẻ phải cung cấp đầy đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm tinh bột (ngũ cốc nguyên hạt, bột gạo, bánh phở...) giúp cung cấp năng lượng, chiếm khoảng 50% khẩu phần ăn. Nhóm chất đạm từ động và thực vật bổ sung các loại protein, axit amin mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Nhóm chất béo từ dầu, bơ, mỡ động vật hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, phát triển não bộ. Nhóm cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất từ nguồn rau xanh, trái cây tươi.
Khi mới bắt đầu, mẹ có thể cho bé tập ăn một bữa mỗi ngày, mỗi bữa khoảng 1-2 thìa cà phê cháo loãng (tỷ lệ 1:10), thịt gà, lợn, cá, rau củ quả xay nhuyễn hoặc trái cây nghiền. Những thực phẩm dễ tiêu hóa như gạo, bí đỏ, khoai lang, táo, lê. Nếu bé thích thú, mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn mỗi bữa lên 30-50 ml một lần, đến khi bé có thể ăn được 50-100 ml.
Từ 7 tháng, mẹ có thể tăng thêm một bữa cho đến khi trẻ có thể ăn được ba bữa mỗi ngày. Thức ăn tăng dần độ sệt hoặc từ lỏng chuyển sang đặc để bé làm quen với hoạt động nhai, nuốt. Giai đoạn này bé có thể tập ăn thêm các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai.
Giai đoạn 10-12 tháng tuổi, bé có thể ăn được 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ mỗi ngày. Lượng ăn đạt khoảng 200-250 ml mỗi bữa. Thực đơn đa dạng hơn với cháo đặc, cơm nát, bún phở, cá thịt, trứng, đậu phụ, rau củ quả... Mẹ có thể cho bé tập cầm nắm thức ăn mềm cắt khúc đã được hấp, luộc, nấu chín nếu bé hợp tác.
Lượng ăn dặm, cách cho bé ăn phụ thuộc vào nhu cầu, khả năng hợp tác của bé, thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm là từ lỏng đến đặc, ít đến nhiều. Mẹ cho trẻ tập ăn dặm những thức ăn gần giống với sữa mẹ trong thời gian đầu để bé làm quen. Tránh cho bé ăn quá nhiều trong một bữa để hệ tiêu hóa có thời gian thích nghi.
Trong năm đầu đời, sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính giúp trẻ phát triển. Nếu bé nhăn nhó, nhè ra thức ăn, ngậm miệng, quấy khóc, không hợp tác... tốt nhất nên tạm dừng ăn dặm.
Thực phẩm nên chọn loại tươi sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh đồ chế biến sẵn hoặc bảo quản lâu ngày. Ba mẹ nên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn. Dụng cụ làm bếp, chế biến và đựng thức ăn cho bé cần được vệ sinh sạch sẽ, cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát. Thức ăn sau khi nấu cần cho bé ăn ngay trong vòng hai giờ.
Thực đơn đa dạng, khẩu phần mỗi bữa cần đảm bảo đầy đủ dưỡng chất. Nếu có cá, tôm, phụ huynh hãy gỡ hết xương, vỏ, râu cứng để tránh bé bị hóc. Bổ sung thêm thực phẩm tạo màu sắc tự nhiên giúp kích thích thị giác, hấp dẫn trẻ. Ba mẹ nên ngồi cùng bé, khuyến khích trẻ ăn, tránh tạo thói quen vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hoặc chơi đồ chơi gây mất tập trung.
Không cho trẻ ăn bánh ăn dặm, uống nước ngọt, nước ép trái cây hoặc sữa trước bữa ăn. Khi cho bé ăn thực phẩm mới, mẹ chỉ nên cho bé thử một loại mỗi lần, kéo dài khoảng 3-5 ngày để theo dõi phản ứng dị ứng hoặc không dung nạp. Thường xuyên theo dõi phân của bé để đánh giá khả năng tiêu hóa.
Nếu bé có bất kỳ dấu hiệu dị ứng thực phẩm (nổi mẩn đỏ, ngứa, nôn, khó thở...) hoặc chậm tăng cân, có vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, phụ huynh nên ngừng cho bé ăn. Cha mẹ nên đưa bé đi khám để bác sĩ hướng dẫn xây dựng thực đơn dinh dưỡng phù hợp.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |