Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho sức khỏe của con, gắn kết mẹ và bé. Cho con bú cũng đã được chứng minh làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Điều này do tác động tích cực của việc cho con bú sữa đối với hormone, tế bào bị tổn thương và gene thúc đẩy giúp bảo vệ mẹ khỏi ung thư.
Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ (AICF) đã kết hợp với Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (WCRF) nghiên cứu trên 11.610 phụ nữ (13 thí nghiệm) và đưa ra kết luận rằng, 5 tháng cho con bú có thể giảm 2% nguy cơ ung thư vú. Các nhà khoa học cho rằng, bằng cách trì hoãn kinh nguyệt, việc cho con bú làm giảm thời gian tiếp xúc với estrogen, do đó, giảm nguy cơ ung thư vú dương tính với thụ thể estrogen.
Việc cho con bú sẽ loại bỏ các tế bào vú bị tổn thương về mặt di truyền có nhiều khả năng trở thành ung thư. Cách này cũng làm thay đổi biểu hiện của gene trong tế bào vú và khiến chúng có khả năng chống lại các đột biến ung thư cao hơn.
Nghiên cứu khác của Đại học Y Washington cũng chỉ ra, việc cho con bú có tác dụng bảo vệ mẹ chống lại bệnh ung thư vú âm tính với thụ thể hormone, một loại ung thư vú ác tính được gọi là ung thư vú bộ ba âm tính. Thời gian cho con bú càng lâu càng giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ có thể giảm thiểu rủi ro khác ở phụ nữ, giúp quản lý cân nặng và đem lại nhiều lợi ích rõ ràng đối với trẻ sơ sinh.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Liên bang Pelotas (Brazil) cho rằng, lựa chọn cho con bú sữa mẹ hay không và bao lâu là quyết định mang tính cá nhân của các bà mẹ. Tuy nhiên, việc cho con bú lâu hơn 6 tháng có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú bất kể tuổi tác của các mẹ. Người luôn cho con bú lâu hơn có tỷ lệ ung thư vú thấp hơn và tỷ lệ ung thư buồng trứng thấp hơn cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc tăng tỷ lệ và thời gian cho con bú ở tất cả các quốc gia, bất kể thu nhập, có thể ngăn ngừa tới 20.000 ca tử vong do ung thư vú mỗi năm trên thế giới. Trẻ em cũng được hưởng lợi từ việc này. Trẻ em bú sữa mẹ trong 6 tháng hoặc lâu hơn có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu (một loại ung thư máu) thấp hơn. Trẻ được bú sữa mẹ lâu hơn cũng giảm nguy cơ nhiễm trùng, sai khớp cắn và tiểu đường so với trẻ không bú mẹ.
Mặc dù có những lợi ích nhất định nhưng không nên coi việc cho con bú là một hình thức phòng ngừa ung thư. Ngay cả khi mang thai nhiều lần và cho con bú kéo dài mỗi lần sinh, bạn vẫn có thể bị ung thư vú. Để phòng ngừa bệnh, phụ nữ nên tự kiểm tra vú hàng tháng để phát hiện những thay đổi ở vú và chụp quang tuyến vú hàng năm để tầm soát ung thư vú.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, phụ nữ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong tối thiểu 6 tháng đầu trước khi cho trẻ ăn dặm. Điều này vừa tốt cho mẹ vừa tốt cho con, giúp phòng ngừa bệnh tật cho cả mẹ và con.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)