Theo tài liệu y khoa, chiếc vòng tránh thai đầu tiên của con người do tiến sĩ Richard Richter phát minh năm 1909. Ông sử dụng tơ từ ruột tằm, cuốn thành vòng và đưa chúng vào tử cung, điều chỉnh hai đầu của chiếc vòng để loại bỏ tinh trùng hiệu quả hơn.
Giữa những năm 1920, hai chuyên gia người Đức là Karl Prust và Ernest Graefenberg giới thiệu phiên bản vòng tránh thai tương tự, song họ không đề cập đến nghiên cứu của Richter. Theo hai nhà khoa học, nguyên lý hoạt động của vòng tránh thai là đưa vật thể lạ vào tử cung, tạo phản ứng viêm khiến tinh trùng không thể sống sót.
Tiến sĩ Graefenberg sau đó điều chỉnh thu nhỏ kích thước chiếc vòng vì lo ngại tình trạng nhiễm trùng. Tỷ lệ có thai khi dùng thiết bị này là khoảng 3%.
Một thời gian sau, ông tiếp tục cải tiến loại vòng tránh thai này bằng cách bọc bạc nguyên chất xung quanh và trở thành loại vòng tránh thai đầu tiên được phụ nữ sử dụng. Tỷ lệ có thai lúc này giảm xuống còn 1,6%. Thiết bị được bán rộng rãi ở Anh và tất cả nước thuộc địa của Anh lúc bấy giờ, song không xuất hiện ở châu Âu hay Mỹ.
Thế chiến II nổ ra cũng là lúc các nghiên cứu về biện pháp tránh thai chững lại. Thực tế, cả Đức và Nhật Bản đều cấm người dân sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, năm 1949, tiến sĩ Mary Halton, nhà nghiên cứu bệnh học người Mỹ, một lần nữa giới thiệu phiên bản vòng tránh thai bằng tơ tằm. Bà cuốn chiếc vòng quanh ngón tay, ngâm nó trong gelatin, sau đó từ từ đưa chiếc vòng vào tử cung người phụ nữ. Lúc này, gelatin hóa lỏng và các sợi tơ bung ra. Tỷ lệ mang thai của công cụ là 1,1%, thấp nhất tính tới thời điểm đó.
Trong nhiều năm, các bác sĩ trên khắp thế giới nghiên cứu về các biến thể của dụng cụ tránh thai. Một số người lo ngại phần "đuôi" vòng tránh thai làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vùng chậu của phụ nữ. Vì vậy, hầu hết dụng cụ chế tạo sau đó đều không có đuôi khiến việc lấy vòng tránh thai khỏi tử cung trở nên khó khăn hơn.
Để khắc phục điều đó, năm 1960, tiến sĩ Lazar Margulies phát triển vòng tránh thai có hình dạng một cuộn dây, làm bằng polyethylene. Phần cuối của thiết bị nhô ra ngoài qua cổ tử cung. Người đầu tiên thử nghiệm dụng cụ này là vợ ông.
Năm 1962, tiến sĩ Jack Lippes đã giúp vòng tránh thai trở nên phổ biến hơn tại Mỹ. Ông tạo ra vòng nhựa polyethylene mềm dẻo (tương tự dụng cụ của tiến sĩ Margulies), được đẩy vào cơ thể phụ nữ một cách dễ dàng qua ống nội soi. Chiếc vòng có kích thước phù hợp với khoang tử cung của từng người, tùy thuộc vào việc họ đã mang thai bao nhiêu lần. Thiết bị này sau đó trở thành tiêu chuẩn cho các loại vòng tránh thai khác.
Năm 1969 là khoảng thời gian vòng tránh thai có nhiều cải tiến quan trọng. Trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng chuột rút và chảy máu ở nhiều phụ nữ, tiến sĩ Howard Tatum, Đại học Emory, đã cố gắng thu nhỏ kích thước vòng tránh thai.
Ông tạo ra một loại vòng tránh thai hình chữ T, gần giống với vòng tránh thai hiện đại. Tiến sĩ Tatum cho biết hình dạng này giảm tỷ lệ đào thải vòng khỏi cơ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ mang thai khi dùng thiết bị khá cao, khoảng 18%.
Năm 1970, tiến sĩ Antonio Scommegna phát minh loại vòng tránh thai hình chữ T khác, có gắn thêm viên nang bán thấm chứa hormone progesterone (hormone steroid nội sinh trong chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai và phát triển phôi thai của người)i. Thiết bị này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép, trở nên phổ biến trên thị trường đến những năm 2000.
Một trong những loại vòng tránh thai "tai tiếng" nhất ra mắt năm 1971, được nhà sản xuất AH Robins tiếp thị rầm rộ như phương tiện ngừa thai hiệu quả cao, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, chỉ ba năm sau, nó bị thu hồi vì khiến vi khuẩn xâm nhập, gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng chậu, nhiễm trùng huyết và vô sinh. AH Robins đối mặt với hơn 300.000 vụ kiện và phải nộp đơn phá sản.
Năm 1988, loại vòng tránh thai bằng đồng đầu tiên xuất hiện. Thiết bị này được nhà khoa học Jaime Zipper, người Chile, đặt nền móng từ năm 1969. Khi ấy, ông phát hiện đồng là chất diệt tinh trùng hiệu quả. Đặt một sợi dây đồng vào sừng tử cung của thỏ sẽ ngăn ngừa quá trình mang thai. Đây được coi là cuộc cách mạng của các công cụ tránh thai. Vòng tránh thai có tên gọi TCu200, phiên bản cải tiến sau này là TCu308A.
Ban đầu, FDA phê duyệt sử dụng nó trong 4 năm. Tuy nhiên, do có nhiều dữ liệu về hiệu quả lâm sàng, cơ quan quyết định kéo dài thời gian phê duyệt lên 10 năm.
Hiện nay, có hai loại vòng tránh thai chính: vòng đồng và vòng nội tiết. Vòng tránh thai nội tiết giải phóng progestin - phiên bản tổng hợp của hormone estrogen tự nhiên và thuốc, khiến chất nhầy ở cổ tử cung dày hơn, tạo thành hàng rào chống tinh trùng.
Cả hai hình thức tránh thai đều có thể gây chảy máu, chuột rút ngay sau khi đặt vòng. Phiên bản vòng tránh thai đồng được cho là gây chuột rút nặng nề hơn và làm tăng lượng máu trong kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp hiếm gặp, vòng tránh thai có thể làm thủng tử cung.
Thục Linh (Theo Reproductive Access, Smithsonian Mag)