Mất tự tin vì tĩnh mạch "mạng nhện"
Gần đây, chị Ngọc Thu, 44 tuổi (doanh nhân sinh sống, làm việc tại Singapore) luôn tự ti, mặc cảm khi mặt trước chân, đùi ngày càng xuất hiện nhiều đám tĩnh mạch mạng nhện li ti. Những tĩnh mạch này có từ lâu, nhưng tình trạng càng trầm trọng hơn kể từ khi chị sinh bé thứ hai, thường xuyên di chuyển nhiều trên đôi giày cao gót. Lúc đầu, chị Thu cho rằng đây là hiện tượng bình thường, sẽ tự hết sau khi sinh bé nên không mấy để tâm. Dần dần, đám tĩnh mạch khiến chị không còn đủ tự tin mỗi khi gặp gỡ đối tác. Nhân dịp về Việt Nam thăm gia đình, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám, điều trị.
Trực tiếp thăm khám cho chị Thu, bác sĩ Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân đến khám trong tình trạng hai chân nổi nhiều đám rối tĩnh mạch li ti, không gây đau nhiều nhưng mất thẩm mỹ. Bác sĩ xác định chị bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới cấp độ C1, êkip quyết định thực hiện thủ thuật chích xơ tĩnh mạch - một kỹ thuật mới - nhằm giải quyết hiệu quả tĩnh mạch "mạng nhện".

Hình ảnh đám rối tĩnh mạch mạng nhện xuất hiện dày đặc trên da chân. Ảnh: Hạ Vũ
Cùng hôm đó, chị Thu thực hiện ca thủ thuật chích xơ tĩnh mạch. Bác sĩ sử dụng dung dịch thuốc tạo bọt, dùng kim nhỏ để bơm vào lòng mạch máu gây viêm tĩnh mạch. Thuốc sẽ "đuổi" máu ra khỏi tĩnh mạch mạng nhện, đồng thời kích thích lòng tĩnh mạch để gây viêm, làm thành mạch dính lại với nhau, ngăn không cho máu đọng lại tại khu vực này về sau. Phương pháp có tác dụng giảm sưng, làm cho tĩnh mạch co lại. Theo thời gian, tĩnh mạch "mạng nhện" sẽ mờ dần hoặc biến mất. Ca thủ thuật kết thúc sau 30 phút. Bệnh nhân nhanh chóng đi lại bình thường và xuất viện ngay.
Tái khám 4 tháng sau khi điều trị, chị Thu cho biết, về Việt Nam chữa trị là quyết định đúng đắn. Với chi phí phải chăng, kỹ thuật chích xơ tĩnh mạch giúp giải quyết hoàn toàn đám "mạng nhện" gây phiền toái suốt một thời gian dài.
Kỹ thuật điều trị tĩnh mạch "mạng nhện"
Bác sĩ Hoài thông tin, tĩnh mạch "mạng nhện" là những tĩnh mạch nhỏ (kích thước dưới 3mm), có màu xanh tím hoặc đỏ, nổi ngay dưới da dạng cành cây hoặc mạng nhện. Dạng tĩnh mạch này không nổi gồ lên khỏi mặt da, thường xuất hiện ở chân hoặc mặt, không gây đau nhưng mất thẩm mỹ khiến nhiều người mất tự tin, nhất là phụ nữ trẻ.
Tĩnh mạch mạng nhện được xếp theo mức độ triệu chứng 1 (C1) trong tổng số 6 phân độ giãn tĩnh mạch. Đây là mức độ thường gặp nhất của bệnh tĩnh mạch (chiếm khoảng 1/4 các ca bệnh).
Theo bác sĩ Hoài, tỷ lệ nữ giới bị tĩnh mạch "mạng nhện" cao gấp đôi nam giới. Một số yếu tố khác góp phần làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng là tuổi tác, thừa cân - béo phì, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, phụ nữ mang thai, di truyền, rối loạn nội tiết tố, người có tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch. Bên cạnh đó, những người tiếp xúc với tia cực tím thường xuyên cũng có nguy cơ bị tổn thương da, gây vỡ mạch máu hoặc tĩnh mạch "mạng nhện", đặc biệt là vùng da mặt.

Hệ thống máy siêu âm doppler tĩnh mạch 4D hiện đại giúp phát hiện sớm tĩnh mạch mạng nhện. Ảnh: Hạ Vũ
"Trong điều trị tĩnh mạch mạng nhện cần hạn chế nguyên nhân gây ứ máu ở chân bằng nhiều cách như thay đổi lối sống, tập thể dục đều đặn, kê cao chân nhất là khi ngủ, tranh thủ đi lại sau mỗi 30 phút ngồi liên tục. Người bệnh ăn nhiều chất xơ và rau quả, thoa kem chống nắng khi ra ngoài...", bác sĩ Hoài nhấn mạnh.
Hiện nay, có nhiều cách điều trị bệnh tĩnh mạch, tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp như: mang vớ áp lực tĩnh mạch, chích xơ tĩnh mạch, đốt laser tĩnh mạch hoặc bơm keo sinh học Venaseal. Trong đó, chích xơ tĩnh mạch được ứng dụng rộng rãi vì quy trình nhanh gọn (trong vòng 10-30 phút), bệnh nhân có thể ra về ngay sau thủ thuật. Quá trình viêm, hình thành sẹo để biến mất hoàn toàn tĩnh mạch thường mất khoảng 2 tháng đến một năm, tùy theo cơ địa mỗi người.

Một ca thủ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới do các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thực hiện. Ảnh: Tâm Anh
Sau khi thực hiện kỹ thuật chích xơ tĩnh mạch, người bệnh sẽ được hướng dẫn mang vớ áp lực tĩnh mạch. Bác sĩ quấn băng thun tạo áp lực để cố định lại thành mạch máu, định hướng dòng máu lưu thông theo các tĩnh mạch khỏe, đồng thời ngăn chặn "tái ứ đọng máu" ở tĩnh mạch đã được chích xơ gây tái phát.
Chích xơ tĩnh mạch là thủ thuật khó vì phải chích thuốc vào tĩnh mạch rất nhỏ, dưới 3 mm. Đây lại là loại thuốc gây viêm, nếu thuốc thoát mạch có thể gây viêm da, hoại tử da. Vì thế, thủ thuật này cần thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật mạch máu, có kinh nghiệm, có công cụ hỗ trợ chuyên sâu để có thể tiếp cận lòng mạch máu nhỏ một cách hiệu quả nhất.
Nhiều bệnh nhân thắc mắc sau khi chích xơ loại bỏ tĩnh mạch giãn thì máu sẽ về tim bằng đường nào. Bác sĩ Hoài giải thích, hệ tĩnh mạch ở chân phong phú, gồm hệ tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu, nhánh tĩnh mạch xuyên để kết nối hai hệ nông, sâu với nhau. Sau khi chích xơ, đốt laser tĩnh mạch hay bơm keo Venaseal, dòng máu về tim sẽ không đi theo tĩnh mạch bệnh đó nữa.
Thay vào đó, máu đi theo tĩnh mạch khỏe mạnh khác để hợp với hệ tĩnh mạch sâu trở về tim. Người bệnh sẽ nhanh chóng thấy triệu chứng của bệnh cải thiện. Nguy cơ bệnh tái phát rất thấp nếu bệnh nhân tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc duy trì lối sinh hoạt khoa học sau điều trị.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Hạ Vũ