Trả lời:
Chích xơ tĩnh mạch (tiêm xơ giãn tĩnh mạch) là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu để loại bỏ tĩnh mạch mạng nhện, tĩnh mạch lưới, búi giãn tĩnh mạch nhỏ ở chân. Dung dịch thuốc gây xơ tạo bọt được tiêm vào lòng mạch bằng kim nhỏ, thuốc có tác dụng gây viêm lớp tế bào lòng mạch máu, teo xơ tĩnh mạch theo thời gian.
Sau thủ thuật chích xơ tĩnh mạch, tĩnh mạch mờ dần trong vài tuần đến vài tháng. Một số trường hợp cần vài lần chích xơ để có thể xơ hóa hoàn toàn. Trong số các thủ thuật ngoại khoa điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, chích xơ tĩnh mạch ít xâm lấn, đơn giản nhất, thời gian thực hiện ngắn, trong vòng 10-30 phút. Phương pháp này ít đau, không chảy máu, nhanh phục hồi, hiệu quả cao. Bệnh nhân có thể đứng dậy, đi lại bình thường, ra về ngay sau thủ thuật.
Phương pháp chích xơ tĩnh mạch được chỉ định cho các trường hợp có tĩnh mạch mạng nhện trong suy tĩnh mạch mức độ nhẹ (C1 trong tổng số 6 phân độ lâm sàng (CEAP) của bệnh suy giãn tĩnh mạch). Đây là những tĩnh mạch nhỏ, kích thước dưới 3 mm, có màu xanh tím hoặc đỏ, không nổi gồ lên bề mặt da mà nằm ngay dưới da, có dạng cành cây hoặc mạng nhện. Các tĩnh mạch này không gây đau nhưng làm mất thẩm mỹ.
Phương pháp này không chỉ định cho những người có huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc huyết khối tĩnh mạch nông (cục máu đông), thai phụ, phụ nữ đang cho con bú, bệnh tim có luồng thông trong tim hoặc bệnh thông động - tĩnh mạch.
Theo như mô tả, bạn bị suy giãn tĩnh mạch mạng nhện, có thể chích xơ tĩnh mạch để chữa trị. Tùy theo tình trạng bệnh, bạn thực hiện 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1-2 tháng.
Trước khi làm thủ thuật, bác sĩ khám, đánh giá bạn có đủ điều kiện thực hiện biện pháp này hay không. Sau thủ thuật, bác sĩ hướng dẫn người bệnh mang vớ áp lực tĩnh mạch hoặc quấn băng thun tạo áp lực để cố định thành mạch máu, ngăn chặn ứ đọng máu ở các tĩnh mạch được chích xơ gây tái phát. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị cho các tĩnh mạch nhỏ, nguyên nhân sâu xa dẫn đến suy giãn tĩnh mạch cần khám đánh giá kỹ. Từ đó, bác sĩ quyết định phương pháp điều trị phù hợp, tránh tái phát về sau.
Để phòng bệnh, bạn nên sống lành mạnh, giảm áp lực lên chân. Bạn nên hạn chế mang giày cao gót, không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, tránh mang vác vật nặng, tập thể dục thường xuyên...
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực
Trung tâm Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |