Theo đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030 thành phố Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô sẽ được đặt tại đường vành đai, thực hiện thu phí phương tiện từ 5h đến 21h hàng ngày, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.
Giải pháp được đưa ra hướng đến việc quy hoạch nội đô thành một thể thống nhất, tạo vành đai xung quanh và kiểm soát lượng phương tiện ra vào. Về mặt trực quan và ngắn hạn thì có thể xem đây là một giải pháp có kết quả. Tuy nhiên, nếu xét về dài hạn sẽ phát sinh một số vấn đề như:
Thứ nhất, việc kiểm soát cửa ngõ ra vào không đồng nghĩa là giảm lượng phương tiện phát sinh ngay trong nội đô, đây vẫn là một yếu tố gây tắc đường trong tương lai.
Thứ hai, việc thu phí và kiểm soát mang lại áp lực chi phí cho người dân đồng thời gián tiếp hạn chế các hoạt động kinh tế xã hội khác.
Thứ ba, nếu phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân khi thực hiện thu phí nội đô sẽ gây ra nhiều vấn đề bất tiện (ví dụ như điểm gửi xe, điểm trung chuyển, thời gian, mật độ lưu thông...), ảnh hưởng tới tinh thần và sức khỏe từ đó làm giảm năng lực làm việc chung.
Cuối cùng, theo thời gian, chỉ tính mật độ gia tăng dân số và xây dựng của khu vực nội đô cũng tự nó đã tạo một áp lực lớn đối với vấn đề cơ sở hạ tầng của thành phố.
Vì vậy, vấn đề không chỉ đến từ bên ngoài mà ngay từ trong quy hoạch nội đô đã tồn tại những hạn chế rõ ràng. Để tìm ra giải pháp dài hạn cho vấn đề ngày chúng ta phải xem xét lại một cách tổng thể những điều bất cập trong giao thông Hà Nội.
>> 'Làm được như Singapore hãy thu phí ôtô vào nội đô'
Tính trung bình, Hà Nội tăng 27.000 phương tiện mỗi tháng; sau 10 năm, ôtô, xe máy tăng trưởng gấp ba lần; chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông. Số lượng ôtô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2 %. Phương tiện công cộng mới đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại.
Bên cạnh đó, mật độ phương tiện giao thông tăng cao trên các tuyến đường, nhất là các khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị, trung tâm thương mại là nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc. Hiện, trên nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Hà Nội mật độ phương tiện lưu thông đã quá tải thiết kế mặt đường từ 3-4 lần, riêng các tuyến đường như Lê Văn Lương, Láng, Phạm Hùng (Vành đai 3)... giờ cao điểm đã vượt 22 lần.
Từ hiện trạng của vấn đề giao thông tại Hà Nội như trên, chúng ta có thể nhìn thấy nguyên nhân gây ra tắc đường giờ cao điểm đang đến từ nhiều phía: nhiều phương tiện cá nhân, nhiều ôtô, ít phương tiện công cộng, mật độ dân số tại nhiều khu vực quá đông đúc dẫn đến cơ sở hạ tầng quá tải. Như vậy, có thể thấy đây là một bài toán lớn hơn về mặt quy hoạch đô thị chứ không phải chỉ là vấn đề lượng phương tiện ngoại thành di chuyển vào nội thành.
>> 'Thu phí vào nội đô để mở đường cho xe buýt'
Với bài toán như trên thì không một bộ ngành nào có thể tự giải quyết dứt điểm vấn đề. Ngoài việc mở đường, xây cầu vượt, xây hầm, làm tàu điện, lập trạm thu phí... còn những khía cạnh khác sẽ phải có sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan liên quan. Ví dụ, việc quy hoạch thành phố, quy hoạch dân cư, cho phép mật độ xây dựng ở mức nào để đảm bảo phù hợp với cơ sở hạ tầng đường sá và các vấn đề an sinh xã hội khác như quy hoạch bệnh viện, trường học... là những nội dung phải được tính toán đồng bộ.
Những khu vực quá đông đúc hiện tại có thể xem xét đến việc di dời (ví dụ như những khu vực chung cư xuống cấp, các trường đại học, cao đẳng, các trụ sở cơ quan nhà nước ở những khu vực quá đông dân cư...). Ngoài ra, việc đầu tư, phát triển các vùng vành đai xung quanh Hà Nội cũng nên được ưu tiên thúc đẩy để tạo động lực cho việc giãn dân và mở rộng vùng kinh tế.
Tóm lại, đây là một bài toán lớn vì muốn giải tốt nó cần phải giải được những bài toán phụ đi kèm. Nếu những bài toán phụ này không giải được thì việc loay hoay tìm giải pháp trong lòng Hà Nội của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.