Tôi thấy nhiều tranh cãi nhau xung quanh câu chuyện "thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội". Mới đây, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội còn cho biết khung mức phí đối với xe vào trung tâm Hà Nội được xây dựng cao nhất 100.000 đồng mỗi lượt với lý do "mức phí này nhằm tác động đến người sử dụng phương tiện, không đi vào khu vực thu phí nếu không cần thiết". Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí.
Trước khi bàn về tính hợp lý của đề án này đến đâu, tôi xin lấy một ví dụ đơn giản từ chính bản thân mình. Theo sơ đồ dự kiến gia đình tôi ở bên ngoài khu vực đặt trạm thu phí, trong khi công ty của hai vợ chồng và trường học của con lại nằm phía trong. Như vậy, hằng ngày, tôi đưa vợ con đi học, đi làm bằng ôtô sẽ phải trả ít nhất 200.000 đồng mỗi ngày (cả lượt đi và về) nếu phương án trên được áp dụng. Tính trung bình, chúng tôi sẽ mất sáu triệu đồng một tháng chỉ cho việc di chuyển mỗi ngày, chưa tính những trường hợp phát sinh phải đi lại nhiều lần trong ngày như khám chữa bệnh, mua sắm...
Trong khi đó, vì không có nhiều tiền nên chúng tôi chẳng dám nghĩ đến nhà gần trung tâm, đến giờ hai vợ chồng vẫn đang vay mua nhà trả góp ở khu vực ngoại thành, mua ôtô cũ để tiện cho cả nhà đi lại đường xa gần 20 km. Lương tháng vốn chỉ khoảng hơn chục triệu đồng một tháng, nay lại phải gánh thêm một khoản phí không nhỏ cho việc đi lại cơ bản, không biết gia đình tôi sẽ phải xoay xở làm sao?
Nhiều người nói "ai bảo đi ôtô làm gì rồi kêu", nhưng tôi cho rằng đi ôtô không phải điều gì sai trái. Cứ hình dung cả nhà tôi bốn người đi chung một ôtô, hay bố mẹ mỗi người một xe máy, con cái mỗi đứa một xe đạp, thế nào tốt hơn? Còn nói về xe buýt, với quãng đường từ nhà tôi tới công ty, không biết phải lên xuống bao nhiêu trạm, chưa kể cung đường đi qua nhiều trường đại học, nghĩ đến thôi tôi cũng không tưởng tượng ra nổi mình sẽ đi làm thế nào?
>> 'Thu phí ôtô vào nội đô, dân sẽ dồn vào ở trung tâm'
Câu chuyện thu phí ôtô vào nội đô này khiến tôi nhớ tới bài học thất bại từ xe buýt nhanh BRT hay tăng phí gửi xe để giảm ùn tắc mấy năm trước. Kết quả của tất cả những "sáng kiến" này đều là khiến người dân thêm phiền hà, tốn kém, trong khi tắc vẫn hoàn tắc, có khi còn phát sinh thêm bất cập. Vấn đề ở đây là chúng ta đã đánh không trúng vào gốc rễ của thực trạng ùn tắc giao thông, mà chỉ đang cố giải quyết phần ngọn.
Phải nhấn mạnh rằng, ôtô không phải là nguyên nhân lớn nhất gây nên tắc đường. Cốt lõi ở đây là mật độ dân số quá đông và những bất hợp lý trong quy hoạch hạ tầng đô thị. Khi mà trung tâm thành phố vẫn mọc lên như nấm các tòa chung cư, văn phòng; các trường học, bệnh viện, công ty, xí nghiệp vẫn cố bám "đất vàng", không chịu di dời, khi đó đương nhiên đường sẽ vẫn tắc dù không có ôtô. Chỉ khi nào tình trạng đất chật người đông được giải quyết, khi đó mới có thể mơ đến đường thông, hè thoáng.
Bên cạnh đó, cần phải nhớ rằng, mục tiêu sau cùng của chúng ta là phát triển giao thông công cộng. Thế nên không thế cứ chăm chăm hạn chế phương tiện cá nhân trong khi hạ tầng công cộng vẫn giậm chân tại chỗ. Xe buýt bao năm qua vẫn chất lượng kém, BRT èo uột, tàu điện trên cao chờ cả chục năm, tàu điện ngầm e rằng còn là tương lai xa nữa, vậy tôi tự hỏi nếu bỏ xe máy, ôtô cá nhân, người dân biết đi bằng gì?
Sự thiếu đồng nhất trong quy hoạch và phát triển hạ tầng thành phố chính là ở chỗ đó nên chúng tới mới rơi vào cảnh vá chỗ nọ, đắp chỗ kia. Cũng giống như giờ đây, người ta lại lo thu phí, hạn chế ôtô trong khi trung tâm thành phố vẫn nén chặt chung cư, văn phòng, bệnh viện, trường học...
Cá nhân tôi cho rằng, thu phí ôtô vào nội đô lúc này là một biện pháp chống tắc lạc hậu. Đánh vào túi tiền một bộ phận người dân để mong giảm tắc, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông vẫn thiếu và yếu, quả là một cách làm lợi bất cập hại, mà hiếm có quốc gia nào trên thế giới áp dụng. Singapore, Indonesia, hay xa hơn là Anh cũng đã áp dụng biện pháp thu phí phương tiện vào nội đô và đạt được thành công nhất định. Nhưng nên nhớ, giao thông công cộng, hạ tầng đô thị của họ đã phát triển từ trước và đủ để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân chứ không phải một mớ hỗn độn như ở ta bây giờ. Sao chúng ta không học họ bố trí đủ quỹ đất dành cho giao thông, phương tiện công cộng văn minh, thuận tiện, vỉa hè thông thoáng... thay vì chỉ lo thu tiền?
>> 'Áp lực tắc đường, thu phí thúc đẩy xe công cộng phát triển'
Xét về khía cạnh kinh tế, chuyện hạn chế ôtô chưa chắc đã là một giải pháp thông minh. Ở thời đại 4.0 ngày nay, chúng ta không thể cứ hô hào người người đi xe đạp, nhà nhà đi bộ được. Thế giới đang phát triển rất nhanh, và muốn theo kịp, chúng ta không thể chọn cách đi ngược, mà phải tìm giải pháp thích ứng, nâng cao. Ôtô bị hạn chế đi lại, vậy làm sao lưu thông hàng hóa được thuận lợi, làm sao phát triển được kinh tế? Làm vậy, các nhà đầu tư cũng sớm rời bỏ ta mà thôi.
Rất có thể, tới đây, những người như tôi sẽ chuyển sang đi xe máy, hoặc vẫn cắn răng mà đi ôtô chứ chẳng thể chọn xe buýt làm phương tiện đi lại. Thu phí để bù đắp phí đầu tư, bảo trì, vận hành hệ thống thu phí là một vòng luẩn quẩn. Vì phí cao hay thấp thì người dân vẫn phải đi, cũng giống như xăng có tăng giá thì cũng chẳng ai chịu ở nhà hay đi bộ.
Như vậy, hiệu quả cho sự phát triển chung của giao thông thành phố là gì? Hay là xe vẫn nhiều, đường vẫn tắc, chỉ khác là thêm một bộ phận người dân phải trả tiền nhiều hơn cho việc đi lại bất khả kháng mỗi ngày?
Khang Đỗ Minh
>> Ý kiến của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.