Nói về đề án thu phí ôtô vào nội đô ở Hà Nội và TP HCM đang gây tranh cãi thời gian gần đây, tôi cho rằng đây là giải pháp cần thiết nhưng chưa phù hợp để thực hiện tại thời điểm hiện tại, khi hệ thống giao thông công cộng và công nghệ hoàn toàn chưa đáp ứng đủ khả năng thực hiên mô hình này.
Trước đây, tôi sống tại Singapore trong 5 năm và đã dùng hầu như tất cả các hệ thống giao thông cá nhân và công cộng tại đất nước này như MRT (Metro), LRT, xe buýt... Việc di chuyển còn tùy thuộc bạn ở khu vực nào tại Singapore nhưng sẽ không quá khó để tìm một phương tiện công cộng vào trung tâm thành phố. Hiện tại, với điện tích hơn 728,6 km2, Singapore đã có 5.049 trạm xe buýt, sáu tuyến Metro bao gồm 127 trạm (trong đó 28 trạm kết nối), ba tuyến LRT (trong đó có 41 trạm). Tất cả hệ thống công cộng được thanh toán chung qua một thẻ (EZ Link).
Hệ thống thu phí vào trung tâm đối với xe bốn bánh và xe máy tại Singapore được thông qua ERP (Electronic Road Pricing - tạm dịch là "định giá đường điện tử"). Việc thu phí hoàn toàn tự động thông qua hệ thống cảm biến được đặt trong mỗi xe, gọi là IU (In-Vehicle Unit). Máy IU sẽ được lắp thẻ thanh toán quốc tế hoặc thẻ EZ Link.
Với công nghệ thanh toán này, các phương tiện vào trung tâm thành phố sẽ không bị ảnh hưởng bất kỳ hoạt động di chuyển nào. Máy IU giống như biển số xe thứ hai, việc lắp đặt thiết bị này vào xe là điều bắt buộc khi di chuyển trên đường. Ngoài chức năng thanh toán phí vào trung tâm thì IU còn có thể thanh toán phí tại các bãi xe tư động trên khắp Singapore.
Trong khi đó, đối với TP HCM và Hà Nội, tôi chưa thấy có bất kỳ hệ thống thanh toán tự động nào và giao thông công cộng vẫn còn rất yếu kém. Thu phí ôtô vào trung tâm, với kỳ vọng sẽ giúp giảm kẹt xe và thúc đẩy người dân dùng phương tiện công cộng, là điều rất khó để đạt được. Ngoài ra, việc thu phí ôtô có thể phát sinh thêm số lượng xe máy di chuyển vào trung tâm thành phố.
>> Thu phí ôtô - 'sao Tây làm được, ta lại không?'
Theo tôi, có một số giải pháp mà cả hai thành phố cần tập trung phát triển, trước khi thực hiện thu phí vào trung tâm đôi với ôtô:
Thứ nhất, áp dụng thí điểm một số hệ thống thanh toán tự đông tại các bãi đậu xe trong trung tâm thành phố.
Thứ hai, nâng cấp và phát triển hệ thống xe buýt, như: chất lượng xe, trạm dừng, hệ thống thanh toán và an ninh...
Thứ ba, xử lý triệt để các vi phạm đậu xe sai quy định đối với xe máy và ôtô đang diễn ra hàng ngày tại trung tâm thành phố.
Thứ tư, phát triển công nghệ quản lý chủ sở hữu các phương tiện giao thông và các hình thức phạt nguội qua CCTV. Đảm bảo các vi phạm được thông báo kịp thời và chính xác nhất đến chủ sở hữu phương tiện.
Thứ năm, mở rộng và ưu tiên phát triển đường dành cho người đi bộ và xe đạp.
Thứ sáu, ưu tiên phát triển trung tâm thương mại "tất cả trong một" (all in one), bao gồm cả: phòng khám, ngân hàng, viễn thông, siêu thị và những dịch vụ, mặt hàng thiết yếu được giao dịch thường xuyên cho cá nhân và gia đình.
Hệ thống giao thông công cộng của Singapore và những nước đã phát triển là tấm gương mà Việt Nam cần học tập để áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện của mình, không chị tại Hà Nội và TP HCM mà còn với các tỉnh thành khác trên cả nước. Đó mới là hướng đi lâu dài đề phát triển giao thông công cộng một cách bền vững nhất.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.