Hình thành 34 trạm thu phí nhìn chung là để tập trung vào việc giảm kẹt xe và tăng thu ngân sách. Nhưng khi đưa ra phương án, hãy nhìn tổng thể của vấn đề.
Mục đích thứ nhất là giảm kẹt xe, tôi tin rằng không đạt được bao. Quận 1 và quận 3 là nơi tập trung của hầu hết các khách sạn. Lưu thông qua hai quận này không phải là nhu cầu của riêng người dân mà là của toàn bộ khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài. Vậy mỗi lần họ sử dung taxi, không lẽ giữa tài xế và người dùng sẽ phải xác nhận xem họ đã bao nhiêu lần đi ra, đi vào cửa ngõ của hai quận này? Với người dân thành phố thì việc này đã là điều quá bất tiện chứ chưa nói tới khách thập phương và người nước ngoài khi tới đây.
Ngoài ra, quận 1 là nơi tập trung toàn bộ cơ quan ban ngành, cao ốc văn phòng, nhu cầu tập trung về đây để làm việc là bắt buộc chứ không phải sự lựa chọn để người dân muốn hay không và chỉ đánh vào hầu bao của những người muốn. Tôi tin chắc những người lưu thông vào quận 1, quận 3 vào giờ cao điểm là vì nhu cầu bắt buộc chứ không một ai muốn đi vào khung giờ mà tất cả người dân đều biết là giờ kẹt xe. Nên việc tăng thêm các khoản phí chỉ tăng thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân và cho doanh nghiệp, chứ không giải quyết bài toán kẹt xe.
Mục đích thứ hai là thu phí. Liệu có bất kỳ sự công khai chi tiết về tất cả khoản đầu tư, chi phí vận hành, bao nhiêu năm thu hồi lại được và sử dụng tiền thu hồi đó ra sao không? Thực tế tiền xây đường cũng đến từ tiền thuế của dân, tiền đầu tư cũng vậy và kể cả sau này thu phí thì cũng đánh vào dân. Nếu nhìn một góc độ nào đó thì cũng như một doanh nghiệp thu nhỏ và dân cũng như là những cổ đông trong đó, họ cũng là nhà đầu tư và người hưởng lợi. Vậy tôi thiết nghĩ công khai, minh bạch về hiệu quả của sự đầu tư đó cũng là một điều hợp lý và thuận lòng dân. Tôi tin chắc mọi người dân cũng đều là người thông thái, đủ để hiểu rằng khi cái lợi thu được về cho nhà nước và cho dân thì mọi người sẽ luôn đồng thuận.
>> Thu phí ôtô không khiến chủ xe chuyển sang đi xe buýt
Ngoài ra, nếu không muốn tắc nghẽn quận nội đô thì không nên hình thành những khu dân cư 10.000 căn hộ ngay cửa ngõ nội đô như Trục Nguyễn Hữu Cảnh hay Mai Chí Thọ. Giãn dân ra ngoại thành, mật độ xây dựng khu vực trung tâm và cận trung tâm cấp thật thấp, và tập trung vào hoàn thiện phương tiện công cộng thì tự khắc thành phố sẽ thay đổi.
Tôi thiết nghĩ, khi cân nhắc phương án đầu tư, nên nhìn mọi mặt, về kinh tế, xã hội, đời sống người dân và cả hình ảnh của một đất nước. Chúng ta đừng tiếp tục bỏ tiền để thực hiện những công việc mang tầm nhìn 5 năm nữa để rồi lúc vừa đầu tư vào xong thì thấy nó không còn phù hợp với thời thế. Hãy nhìn 20-30 năm, thậm chí 100 năm nữa sẽ ra sao? Đường xá, nhà cửa là tài sản trăm năm chứ không phải chỉ 5 năm. Hãy tính thật kỹ rồi làm chứ không nên vừa làm vừa tính, và làm tới đâu tính tới đó nữa.
Chúng ta đã gặp phải tình trạng này quá nhiều lần. Bao nhiêu công trình khi đưa vào sử dụng không còn phù hợp và lãng phí, bao nhiêu dự án "đắp chiếu", dùng không được thanh lý không xong. Vì vậy, thật sự mong những nhà quản lý cũng hãy là những nhà đầu tư dài hạn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.