"Số người đi khám sớm và được điều trị triệt để về ung thư gan thấp so với tỷ lệ mắc chung", bác sĩ Tú nói bên lề Chương trình quản lý Ung thư Gan- Live Longer tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023, chiều 10/5.
Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu do thói quen uống bia rượu, viêm gan chuyển hóa thành ung thư, lối sống không khoa học. Tuy nhiên, đa số trường hợp không đi khám sàng lọc, chỉ đi điều trị khi có khối u lớn. Lúc này, bệnh đã ở giai đoạn muộn, khó chữa trị, nguy cơ tử vong lớn.
Ung thư gan được xếp loại hàng đầu trong nhóm bệnh ung thư, chiếm tới 1/5 trong số hơn 25.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm. Globocan 2020 thống kê mỗi năm Việt Nam có 26.418 ca ung thư gan mới, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư và 77% trường hợp ung thư gan xảy ra ở nam giới. Bệnh còn có số ca tử vong dẫn đầu với 25.272, chiếm 21% tổng số ca tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020 với 6.700 ca.
Bên cạnh đó, ung thư gan khó điều trị, phương pháp tiên tiến có chi phí cao. Bác sĩ Tú cho biết trước đây, khi không thể phẫu thuật, người bệnh được chỉ định điều trị hóa chất một vài lần để thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, phương pháp này làm suy chức năng gan sau vài đợt điều trị. Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh được chỉ định điều trị bằng phương pháp toàn thân, điều trị đích để cải thiện tình trạng, song hiệu quả chỉ kéo dài khoảng 6 hoặc 8 tháng.
Vài năm gần đây, liệu pháp miễn dịch kết hợp giữa atezolizumab, bevacizumab và một loại thuốc khác có thể kéo dài thời gian sống cho người bệnh ung thư gan giai đoạn muộn, gấp đôi so với phương pháp cũ. Tuy nhiên, liệu pháp này đắt đỏ, mỗi chu kỳ giá hơn 60 triệu đồng, mỗi năm cần thực hiện ba chu kỳ.
"Để kéo dài cuộc sống thêm một năm, chi phí có thể lên đến tiền tỷ. Tại viện K, chỉ vài chục bệnh nhân có thể tiếp cận được", bác sĩ Tú nói.
Bác sĩ Tú cho rằng số tiền chữa bệnh quá lớn và không được bảo hiểm y tế chi trả khiến người bệnh không có cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị tốt hơn. Vì vậy, ông hy vọng người bệnh ung thư gan được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí thuốc, để bệnh nhân được tiếp cận và kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng điều trị. Nguồn chi phí có thể lấy từ bảo hiểm y tế hoặc nguồn khác được Bộ Y tế chấp thuận.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho rằng cần nâng cao nhận thức cộng đồng, phát hiện sớm bệnh. Ngành y tế nâng cao năng lực chuyên môn y tế, tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các liệu pháp điều trị phù hợp nhất ở từng giai đoạn, nhằm tạo hiệu quả tốt hơn trong phòng và điều trị ung thư gan.
Chi Lê