Sau 9 tháng 10 ngày, thiên thần nhỏ đã chào đời. Giờ là lúc mẹ cần nhanh chóng phục hồi sức khỏe để chăm sóc con yêu. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý sau sinh sẽ giúp mẹ nhanh lại sức và đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho bé yêu phát triển khỏe mạnh.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, chế độ ăn uống sau sinh đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và bé. Bởi lẽ, việc chăm sóc một đứa trẻ không đơn giản, đòi hỏi người mẹ phải có sức khỏe tốt. Nếu không ăn uống đủ chất và phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý, mẹ sẽ rất dễ kiệt sức. Thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt sẽ tạo nguồn sữa dồi dào, giàu dưỡng chất giúp trẻ đạt được mức tăng trưởng tối đa.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai cho biết thêm, nếu sản phụ cho con bú mẹ hoàn toàn, hãy cố gắng nạp vào cơ thể 2.200-2.500 calo một ngày. Không nên nạp quá lượng calo được khuyến nghị vì khi không tiêu hao hết, chúng sẽ tích lũy thành mỡ thừa, gây khó khăn cho việc giảm cân.
Tương tự giai đoạn mang thai, chế độ dinh dưỡng cho mẹ sau sinh cần có đủ 4 nhóm chất thiết yếu. Cụ thể:
Chất bột đường (glucid)
Cơm, cháo, mì sợi, phở, khoai lang, ngô... đều là nguồn glucid tốt, không tích lũy mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Ngược lại, các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt có gas... chứa lượng lớn đường, là thủ phạm gây nên tình trạng béo bụng ở các bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Chất đạm (protein)
Thịt nạc, cá, trứng, sữa rất giàu protein động vật, trong khi các loại đậu (đậu nành, đậu đen...), các loại hạt (hạt điều, hạt hạnh nhân...) chứa một lượng lớn protein thực vật. Tỷ lệ đạm động vật và đạm thực vật mẹ nên bổ sung là 50/50.
Chất béo (lipid)
Mẹ nên ưu tiên dùng chất béo thực vật (dầu ô liu, dầu hướng dương, bơ thực vật, đậu phộng, mè...), hạn chế chất béo động vật (có trong các loại thịt mỡ) trong chế độ ăn uống sau sinh.
Vitamin và khoáng chất
Rau, củ, quả chính là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Mẹ cần ăn đa dạng các loại rau xanh lá, củ quả màu vàng hoặc cam để bù đắp cho cơ thể lượng vi chất thiếu hụt trong quá trình mang thai và sinh nở. Trong đó, mẹ cần lưu ý bổ sung đầy đủ các vi chất quan trọng như sắt, canxi, vitamin A, C, D.
Sắt: giúp cơ thể tạo ra các tế bào máu mới, rất cần thiết đối với những phụ nữ mất máu nhiều khi sinh. Thịt đỏ, thịt gia cầm, các loại đậu... là những thực phẩm giàu sắt mẹ nên ăn.
Canxi: sữa mẹ đủ canxi sẽ giúp hệ xương và răng của bé phát triển tốt. Lượng canxi này cũng sẽ được bổ sung kịp thời cho cơ thể mẹ, phòng tránh bệnh loãng xương sau này. Phụ nữ sau sinh cần 1300 mg canxi một ngày từ sữa và các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua...), hải sản, lòng đỏ trứng gà, đậu nành, rau ngót, rau mồng tơi...
Vitamin A: rất quan trọng đối với thị lực trẻ, đồng thời hỗ trợ quá trình tăng trưởng của trẻ. Trong danh sách các món ăn bổ dưỡng sau khi sinh mẹ không nên bỏ qua gan động vật, các loại cá có dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ), sữa, trứng...
Vitamin C: giúp hấp thu sắt, tăng cường miễn dịch, thúc đẩy quá trình hình thành collagen và kích thích tăng lượng sữa mẹ. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, dâu tây, súp lơ...
Vitamin D: chất xúc tác giúp cơ thể hấp thu trọn vẹn canxi. Vitamin D được tổng hợp qua da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Chỉ cần phơi nắng 15-20 phút mỗi ngày, mẹ sẽ nạp đủ lượng vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, một số thực phẩm có chứa lượng nhỏ vi chất này là trứng, dầu gan cá, mẹ cũng nên biết để bổ sung thêm.
Uống nhiều nước
Lượng nước tối thiểu cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ là 2,5-3 lít một ngày. Ngoài nước lọc, mẹ có thể uống thêm sữa để bổ sung dưỡng chất; tránh uống sữa đậu nành vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Ngoài các thực phẩm nên ăn kể trên, mẹ hãy cẩn thận khi ăn uống các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa, khiến bé kém hấp thu, thậm chí gây nôn ói, tiêu chảy như rượu bia, caffeine, thức ăn tái sống, ngao, sò, ốc... Mẹ cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn nguội lạnh; hạn chế ăn các thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ hoặc các thực phẩm dễ gây sưng đỏ như đồ nếp, rau muống....
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai cho biết, chế độ dinh dưỡng dành cho phụ nữ sau sinh được xem là hợp lý khi giúp mẹ nhanh chóng hồi phục sức khỏe, đồng thời có lượng sữa chất lượng dồi dào cho con bú. Nếu không an tâm về việc tự thiết lập thực đơn đáp ứng các nhu cầu trên, mẹ có thể nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome có dịch vụ khám, tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh. Đến đây, mẹ sẽ được các chuyên gia thăm khám kỹ để có những đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe sau sinh.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai, Nutrihome còn là trung tâm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đầu tư máy phân tích thành phần sữa mẹ với công nghệ hiện đại giúp kiểm tra và đánh giá chính xác năng lượng và các thành phần cơ bản trong sữa mẹ (chất béo, chất đạm, đường lactose, độ đặc, chất khoáng, nước, kẽm, sắt và canxi) nhằm giúp mẹ biết chính xác nguồn sữa mình đang cho bé bú có đủ dinh dưỡng hay không.
Dựa vào kết quả phân tích thành phần sữa mẹ, bác sĩ sẽ xây dựng khẩu phần ăn, thiết kế thực đơn phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sở thích giúp mẹ cải thiện số lượng và chất lượng nguồn sữa cũng như loại trừ các yếu tố gây kích ứng cho trẻ thông qua sữa mẹ. Từ đó, mẹ sẽ nhanh hồi phục sức khỏe hơn, còn trẻ sẽ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng qua sữa mẹ để phát triển toàn diện cả về thể lực, trí lực và nâng cao sức đề kháng.
Thu Hà