BS.CKI Phạm Thục Minh Thủy (Khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, tất cả trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh cần được chăm sóc suốt đời. Trên thế giới, chuyên khoa tim bẩm sinh người lớn được thành lập khoảng 15 năm nay.
"Bệnh nhân dù đã được phẫu thuật sửa chữa hoàn toàn ví dụ như đóng thông liên thất thì vẫn cần theo dõi suốt đời. Thời gian theo dõi định kỳ tùy thuộc đánh giá của bác sĩ, có thể vài tháng một lần hoặc 1-2 lần một năm", bác sĩ giải thích.
Bác sĩ Minh Thủy cho biết thêm, người bệnh tim bẩm sinh sau khi được điều trị vẫn có thể có một số biến chứng như rối loạn nhịp tim, suy tim do chức năng cơ tim xấu đi, di lệch của dụng cụ hoặc hẹp tắc lại các ống nối... Vì vậy, các bệnh tim bẩm sinh chưa cần phẫu thuật thì cần theo dõi sát diễn tiến và các bệnh tim bẩm sinh khi phát hiện không thể phẫu thuật lại càng phải theo dõi kỹ hơn.
"Trên 95% trẻ bị tim bẩm sinh sau khi phẫu thuật đều có thể phát triển bình thường như những trẻ khác. Dẫu vậy, các bé vẫn cần được theo dõi định kỳ sau phẫu thuật ổn định ít nhất mỗi 6-12 tháng để đánh giá diễn tiến, theo dõi những vấn đề còn lại sau cuộc mổ cũng như vấn đề bệnh diễn tiến theo thời gian", bác sĩ Minh Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Minh Thủy, trường hợp phát hiện bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ trong bào thai, bé cần được chăm sóc tích cực ngay sau sinh. Đầu tiên, bé sẽ nhanh chóng được hồi sức ngay tại phòng sinh nhằm đảm bảo thân nhiệt, đủ oxy cho bé trên đường vận chuyển từ phòng sinh về phòng NICU chăm sóc.
Thứ hai là đảm bảo dinh dưỡng. Biểu hiện bệnh tim bẩm sinh ở trẻ có nhiều mức độ. Khi bị suy tim nhiều, bé dễ mệt, nhất là khi gắng sức ví dụ như bú. Các bé này thường mỗi cữ bú sẽ kéo dài, thở mệt, vã mồ hôi... Do đó, mẹ nên chia nhỏ bữa, để đảm bảo lượng sữa cần thiết, đủ dinh dưỡng và năng lượng cho bé. Nguồn dinh dưỡng chính của các bé sơ sinh ưu tiên vẫn là sữa mẹ.
Thứ ba là kiểm soát nhiễm khuẩn, vì hệ miễn dịch của bé còn yếu và dễ nhiễm bệnh, điều dưỡng chăm sóc bé phải tuân thủ quy trình rửa tay, khử khuẩn.
Khi chăm sóc trẻ bệnh tim bẩm sinh tại nhà, cha mẹ, ông bà cần lưu ý một số vấn đề. Về dinh dưỡng, trẻ nhanh mệt khi bú, do vậy cần chia nhỏ cữ bú, mỗi lần bú một lượng ít và sau khi bú nên bế bé ở tư thế đứng khoảng 30 phút để sữa tiêu hóa bớt một phần, tránh trào ngược. Ưu tiên hàng đầu vẫn là sữa mẹ, nguồn dưỡng chất tốt nhất cho sự tăng trưởng và hệ miễn dịch của trẻ.
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh tim nặng đặc biệt như tứ chứng Fallot với biểu hiện tím và hẹp đường thoát thất phải (hẹp phổi, máu lên phổi khó) cần tránh để trẻ gắng sức như khóc quá mức, táo bón, bị lạnh... và cần học cách xử trí trong những trường hợp đặc biệt này.
Bố mẹ cũng cần giữ vệ sinh để trẻ không bị nhiễm trùng vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Theo bác sĩ Minh Thủy, người nhà, người chăm sóc trẻ nên tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là các vaccine phòng cúm, phế cầu, ho gà, Covid-19 để bảo vệ thụ động cho bé, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người. Đồng thời, bé cần được tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng quốc gia và các liều uống hoặc tiêm ngừa bổ sung tùy theo độ tuổi.
"Khi đi tiêm vaccine không nên đến những nơi quá đông người, hạn chế trẻ tiếp xúc với những người bị ho, sổ mũi... Ngoài ra, chú ý vệ sinh da và răng miệng, kiểm tra răng miệng định kỳ vì viêm nướu, sâu răng dễ dẫn đến tình trạng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, loại bệnh điều trị khó khăn, kéo dài và gây nhiều biến chứng", bác sĩ Minh Thủy nhấn mạnh.
Nếu bé mắc tứ chứng Fallot với hẹp dưới van động mạch phổi, một số trường hợp bé lên cơn tím. Lúc này, mẹ đặt con ở tư thế đầu gối áp vào ngực. Tư thế này giúp bé bình tĩnh, đỡ sợ hãi, ít khóc và giảm bớt tím.
Khi bé lớn hơn, đến trường và tham gia các hoạt động xã hội, cần có sự tham vấn từ bác sĩ chăm sóc trẻ để chọn lựa môn thể thao, mức gắng sức phù hợp với tình trạng tim mạch trẻ hiện tại. Sau phẫu thuật, những hoạt động thường ngày tưởng như bình thường như mang cặp hoặc balo, chơi các môn thể thao hay thậm chí thời gian tắm hồ, đi bơi... cũng cần có ý kiến của bác sĩ chăm sóc trẻ.
Song song đó, tất cả trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh cần được hỗ trợ về mặt tinh thần, điều chưa được quan tâm đúng mức hiện nay. Việc nói con nghe vừa giúp trẻ biết thêm về tình trạng bệnh của mình, gọi bố mẹ khi có triệu chứng bất thường (mệt, hồi hộp, đau tức ngực...) và cũng là cách cha mẹ gần gũi, hỗ trợ nâng đỡ, động viên con, tránh mặc cảm bệnh tật khi trẻ không thể hoàn toàn như các bạn đồng trang lứa, đặc biệt là các bé phải nằm viện lâu ngày, phải mổ đi mổ lại nhiều lần.
Châu Vũ