Theo Healthline, chế độ ăn thuần chay có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường type 2, một số loại ung thư. Người theo đuổi chế độ dinh dưỡng sẽ loại bỏ tất cả thực phẩm từ động vật bao gồm: thịt, hải sản, thịt gia cầm, trứng, sữa, mật ong; ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật.
Theo một đánh giá của 49 nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay, ăn chay có liên quan đến mức cholesterol toàn phần và mức LDL (có hại) thấp hơn. Một đánh giá khác của 40 nghiên cứu thông tin, những người ăn thuần chay thường có chỉ số khối cơ thể (BMI), mức cholesterol LDL, chất béo trung tính, lượng đường trong máu, huyết áp thấp hơn.
Chế độ ăn uống dựa trên thực vật có lợi cho việc giảm nguy cơ của bệnh tim, chẳng hạn như xơ vữa động mạch. Mặc dù bản thân chất béo bão hòa không liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nhưng dưỡng chất có thể làm tăng tăng mức cholesterol LDL (xấu). Chế độ ăn thuần chay tập trung vào thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, quả hạch, hạt, có thể giúp giảm mức cholesterol.
Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến có thể liên quan đến mức cholesterol toàn phần và LDL (xấu) cao hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh như huyết áp cao, hội chứng chuyển hóa. Vì vậy, cách tốt nhất để giảm mức cholesterol trong chế độ ăn thuần chay là hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn như: bữa ăn tiện lợi, khoai tây chiên, bánh quy, bánh quy giòn, thịt nguội thuần chay, xúc xích...
Chế độ dinh dưỡng thêm nhiều axit béo không bão hòa tốt cho tim, có thể giúp giảm mức cholesterol. Thực phẩm như dầu ô liu, quả hạch, hạt, quả bơ có nhiều axit béo không bão hòa.
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, các nghiên cứu chứng minh tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm mức cholesterol xấu, tăng mức cholesterol tốt. Hoạt động thể chất ở mức trung bình và nặng làm giảm huyết áp, lượng đường trong máu, tăng mức cholesterol HDL.
Những người mới tập thể dục có thể bắt đầu với các bài tập cường độ thấp, sau đó xây dựng cường độ tập luyện phù hợp. Thực hiện các bài tập cường độ cao mà không có huấn luyện viên có thể dẫn đến chấn thương.
Nếu hút thuốc lá bạn nên có kế hoạch bỏ thuốc lá. Thuốc lá gây ra bệnh phổi, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, làm tăng mức cholesterol. Một chất trong khói thuốc được gọi là acrolein có thể phản ứng với LDL, góp phần gây xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến tắc mạch máu.
Những thói quen không lành mạnh có thể làm tăng áp lực lên tim. Một số nghiên cứu cho thấy rằng uống nhiều rượu bia có thể liên quan đến việc tăng mức chất béo trung tính và cholesterol LDL (có hại). Để bảo vệ sức khỏe tổng thể, bạn có thể cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung omega-3. Nhiều thực phẩm bổ sung omega-3 thuần chay có thể giúp giảm mức chất béo trung tính, tăng cholesterol HDL (tốt) và cải thiện chức năng mạch máu.
Lê Nguyễn