Nghiên cứu "Chất lượng của chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật và nguy cơ đột quỵ toàn bộ, thiếu máu cục bộ và xuất huyết" của các nhà khoa học Mỹ công bố cuối năm 2021 cho biết chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu được thực hiện trên 209.000 người, không có ai mắc bệnh tim mạch hay ung thư. Họ được theo dõi các chỉ số và chế độ ăn uống trong vòng 25 năm. Những người tham gia nghiên cứu sẽ bổ sung nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu chất dinh dưỡng như kali, chất xơ, magie. Đồng thời kết hợp với chế độ ăn giảm béo phì.
Cuối nghiên cứu, họ nhận thấy ở những người tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh có xu hướng giảm sự hình thành mảng bám, giảm huyết áp, viêm nhiễm, giảm hình thành cục máu đông. Với sự tích tụ mảng bám ít hơn, giảm huyết áp giúp nguy cơ bị đột quỵ càng thấp.
Cụ thể, những người ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật giảm 10% nguy cơ đột quỵ, giảm 8% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xảy ra do tắc nghẽn động mạch so với những người không thường xuyên ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Chế độ ăn giàu thực vật được các nhà nghiên cứu nhắc đến ở đây là ưu tiên các loại trái cây như rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, quả hạch, đậu. Mọi người cũng nên bổ sung thêm một lượng nhỏ protein có nguồn gốc từ động vật như cá, trứng, sữa để cân bằng dinh dưỡng.
Cách bổ sung thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào chế độ ăn uống:
Thêm nhiều rau vào khẩu phần: Khi sắp xếp bữa ăn, bạn cần đảm bảo rằng hơn một nửa khẩu phần sẽ là các món rau yêu thích. Việc bổ sung rau nên thực hiện theo tiến độ từ ít đến nhiều, không nên chuyển sang chế độ ăn rau đột ngột vì dễ gây rắc rối cho hệ tiêu hóa.
Một bữa ăn không thịt: Trong giai đoạn tăng cường thực phẩm thực vật, bạn có thể thử 1-2 bữa ăn không có thịt mà chỉ ăn rau để làm quen.
Tăng số lượng rau trong công thức nấu ăn: Nếu một công thức yêu cầu 200gr rau bina, bạn hãy thử thêm gấp đôi. Thêm nhiều rau vào bữa ăn sẽ bổ sung thêm nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật có lợi giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Thêm sinh tố: Bạn có thể bổ sung thêm 1-2 cốc sinh tố mỗi tuần. Thay vì sinh tố trái cây, mọi người có thể tạo thói quen mới bằng sinh tố rau xanh tươi, rau đông lạnh (như bí xanh hoặc súp lơ), trái cây đông lạnh, quả hạch, hạt và gia vị như quế, gừng hoặc nghệ....
Bên cạnh tuân thủ chế độ ăn giàu thực vật, mọi người nên tăng cường tập thể dục, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát các yếu tố rủi ro như huyết áp và cholesterol, bỏ thuốc lá... có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Anh Chi (Theo Very Well Health)