Chị Trang phát hiện ngực có u cỡ hạt bắp khoảng một năm trước, vừa cai sữa cho con nên chần chừ không đi khám. U lớn dần, cứng, đau buốt và xuất hiện vết bầm. Đến tháng 4 năm nay, chị đi khám, bác sĩ ở một bệnh viện chẩn đoán ung thư vú dạng không đặc biệt, độ hai và tư vấn đoạn nhũ không tái tạo, đồng thời nạo hạch nách. Chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM kiểm tra lại.
Chị Trang mắc ung thư vú và ung thư thùy phải tuyến giáp. Chị mong muốn điều trị ung thư và tái tạo ngực để đảm bảo thẩm mỹ, trở lại cuộc sống bình thường.
"Thông thường trường hợp như chị Trang phải trải qua ít nhất 4 cuộc mổ riêng lẻ, vừa kéo dài thời gian điều trị và phục hồi, vừa đau đớn, có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng", thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói hôm 9/7. Bác sĩ Tấn quyết định phẫu thuật 5 trong 1, tối ưu số lượng cuộc mổ, rút ngắn thời gian điều trị, tăng hiệu quả. Người bệnh được chặn hai bệnh ung thư, sinh thiết hạch gác cửa, tái tạo ngực và tạo hình thành bụng trong một lần. Song ca mổ kéo dài, cần nhiều bác sĩ phối hợp, đảm bảo vô khuẩn và gây mê.
Bác sĩ rạch da theo nếp gấp cổ khoảng 5 cm, sau đó dùng dao siêu âm harmonic cắt thùy phải, bảo tồn các tuyến cận giáp và dây thần kinh thanh quản, giúp người bệnh không bị khàn giọng.
Tiếp đến, ê kíp tiêm chất màu xanh vào cạnh quầng nhũ hoa trái, rạch da và bóc tách hạch có màu xanh, cắt mô sau nhũ hoa gửi giải phẫu bệnh. Sinh thiết hạch gác cửa giúp phẫu thuật viên quyết định chính xác có nạo hạch nách hay không, hạn chế biến chứng phù, nhức, yếu tay cho người bệnh.
Trong lúc chờ kết quả sinh thiết, bác sĩ Tấn cắt tuyến vú và bóc tách vạt da cơ thẳng bụng, luồn qua đường hầm từ vùng bụng đến ngực trái tạo thành ngực mới cho chị Trang. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy hạch gác cửa và mô sau nhũ hoa không có tế bào ung thư nên người bệnh được bảo tồn nhũ hoa, không cần nạo hạch nách.
Các bác sĩ khâu xếp nếp cân cơ thẳng bụng để thu nhỏ vòng hai cho bệnh nhân, sau đó khâu lại vết mổ. Vết sẹo sau mổ ở bụng giống như vết mổ lấy thai nhưng dài hơn. Hậu phẫu, chị ổn định sức khỏe tốt, vết mổ lành nhanh, xuất viện sau ba ngày.
Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ ghi nhận ung thư vú giai đoạn 0. Khối ung thư nằm sát vùng da vú, có lan theo ống dẫn sữa, dù diện cắt không còn tế bào ác tính nhưng để an toàn, hạn chế tái phát, người bệnh được chỉ định xạ trị. Với ung thư tuyến giáp giai đoạn một, người bệnh không cần điều trị thêm với iốt phóng xạ.
"Mắc hai bệnh ung thư nhưng tôi vẫn thấy may mắn vì phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời", chị Trang nói.
"Ung thư vú có tỷ lệ chữa khỏi cao. Ở giai đoạn 0, người bệnh điều trị kịp thời có cơ hội khỏi bệnh đến 100%", bác sĩ Tấn nói, thêm rằng các giai đoạn sớm 1-2, tỷ lệ sống sau 5 năm lên tới 99%.
Hiện, các phương pháp mổ ung thư vú vừa đảm bảo điều trị an toàn vừa thẩm mỹ. Tái tạo vú trong ca phẫu thuật ung thư giúp người bệnh tránh thêm một hay nhiều cuộc mổ sau này, vết sẹo mổ đẹp hơn. Nếu người bệnh cùng lúc phát hiện nhiều loại ung thư, bác sĩ khoa Ngoại Vú chỉ định mổ kết hợp 3 trong 1, 4 trong 1, có thể là 5 trong 1 để có lợi nhất.
"Phẫu thuật 5 trong 1 ít gặp", bác sĩ Tấn nói. Bởi mổ cùng lúc nhiều vị trí trên cơ thể người bệnh trong thời gian dài cần đảm bảo các tiêu chí như phòng mổ vô khuẩn, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ gây mê liên tục theo dõi, giám sát dấu hiệu sinh tồn. Phẫu thuật viên cần có nhiều kinh nghiệm để kiểm soát tốt thao tác. Người bệnh được khám tiền mê, đánh giá đủ sức khỏe cho cuộc phẫu thuật kết hợp.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |