Chẩn đoán
Thông thường chẩn đoán bắt đầu khi một người đến gặp bác sĩ về một triệu chứng bất thường. Bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi về bệnh sử, các triệu chứng của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm khác nhau để tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng này. TS.BS Trần Hải Bình - Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nhiều người bị ung thư nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng, khó phát hiện. Những người này thường vô tình được phát hiện ra khối u trong quá trình kiểm tra một bệnh lý khác hoặc đi khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc.
Các xét nghiệm sàng lọc bao gồm xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang, nội soi, chụp CT, chụp MRI... Tùy từng loại ung thư mà các phương pháp khám chẩn đoán ung thư có thể khác nhau. Cần làm các xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán xác định bệnh ung thư. "Phần lớn các bệnh ung thư, sinh thiết khối u làm xét nghiệm mô bệnh học là tiêu chuẩn 'vàng' để chẩn đoán xác định", bác sĩ Hải Bình nói.
Chẳng hạn sau khi bệnh nhân thăm khám phát hiện u phổi, bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết để có kết quả chính xác như xét nghiệm chỉ điểm ung thư phổi trong máu, chụp CT, sinh thiết khối u làm xét nghiệm mô bệnh học, chụp PET/CT toàn thân... Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan như xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm các chỉ điểm khối u gan trong máu, xét nghiệm virus viêm gan B, C, siêu âm ổ bụng, chụp CT ổ bụng hoặc MRI gan mật..., trong một số trường hợp cần sinh thiết u gan làm xét nghiệm mô bệnh học.
Điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư. Bác sĩ cho biết Hải Bình, các phương pháp chính điều trị ung thư là: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch... giúp loại bỏ khối u, thu nhỏ hoặc ngăn chặn sự tiến triển của khối u ác tính.
Phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào loại ung thư mắc phải và giai đoạn bệnh. Một số người bị ung thư có thể chỉ cần một lần điều trị nhưng có nhiều trường hợp phải có sự kết hợp của các phương pháp điều trị, chẳng hạn như phẫu thuật với hóa trị và/hoặc xạ trị (tùy theo loại ung thư và giai đoạn bệnh nhân mắc phải). Người bệnh cũng có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp hormone.
Các phương pháp điều trị ung thư có thể được sử dụng như điều trị chính, điều trị bổ trợ:
Điều trị chính: mục tiêu của phương pháp điều trị chính là loại bỏ hoàn toàn ung thư khỏi cơ thể hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị chính. Phương pháp điều trị ung thư chính phổ biến đối với các loại ung thư là phẫu thuật. Nếu bệnh ung thư của bệnh nhân đặc biệt nhạy cảm với xạ trị hoặc hóa trị thì bác sĩ có thể nhận một trong những liệu pháp đó làm phương pháp điều trị chính.
Điều trị bổ trợ: mục tiêu của liệu pháp bổ trợ là tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào có thể còn sót lại sau quá trình điều trị chính để giảm nguy cơ ung thư tái phát. Bất kỳ phương pháp điều trị ung thư nào cũng có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ. Các liệu pháp bổ trợ phổ biến bao gồm hóa trị, xạ trị và liệu pháp hormone.
Theo bác sĩ Hải Bình, các lựa chọn điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố chẳng hạn như loại và giai đoạn ung thư, tình hình sức khỏe chung, mong muốn của người bệnh... Bệnh nhân và bác sĩ có thể cùng nhau cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của từng phương pháp điều trị ung thư để xác định phương pháp nào tốt nhất cho bạn. Các lựa chọn điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp hormone, thuốc nhắm trúng đích...
Phẫu thuật: đây là một trong những phương pháp được ưu tiên lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân ung thư. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ khối u hoàn toàn hoặc phần lớn khối u. Phẫu thuật giúp xác định chính xác giai đoạn ung thư, trong quá trình phẫu thuật có thể kết hợp kiểm tra tình trạng hiện tại của khối u và các tổn thương hiện có.
Hóa trị: sau điều trị bằng phẫu thuật, các tế bào ung thư có thể vẫn còn sót lại hoặc lan ra mà chưa được cắt bỏ hết. Phương pháp hóa trị với việc sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Hóa chất này sẽ tác động lên cả tế bào ung thư lẫn các tế bào bất thường nên có thể gây ra một số tác dụng phụ ở người bệnh như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, chán ăn, da sạm... Tùy từng loại thuốc sử dụng khi hóa trị và liều lượng sử dụng mà các tác dụng phụ này có thể khác nhau.
Xạ trị: là sử dụng các tia năng lượng cao (tia phóng xạ) chẳng hạn như tia X hoặc proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Điều trị bức xạ có thể đến từ một máy bên ngoài cơ thể của bạn (xạ trị ngoài) hoặc nó có thể được đặt bên trong cơ thể bạn (xạ trị áp sát, xạ trị chiếu trong). Cũng như hóa trị, xạ trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ do tác động đến tế bào ung thư lẫn tế bào bình thường. Một số tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể gặp như viêm da vùng xạ trị, mệt mỏi, buồn nôn...
Cấy ghép tủy xương: giúp tạo ra các tế bào máu từ các tế bào gốc của máu. Ghép tủy xương còn được gọi là cấy ghép tế bào gốc có thể sử dụng tế bào gốc tủy xương của chính bệnh nhân hoặc tế bào gốc từ người hiến tặng. Ghép tủy xương cho phép bác sĩ sử dụng liều lượng hóa trị cao hơn để điều trị ung thư. Nó cũng có thể được sử dụng để thay thế tủy xương bị bệnh.
Liệu pháp miễn dịch (liệu pháp sinh học): sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể bệnh nhân để chống lại ung thư. Ung thư có thể tồn tại mà không bị kiểm soát trong cơ thể bệnh nhân vì hệ thống miễn dịch không nhận ra nó là kẻ xâm nhập. Liệu pháp miễn dịch có thể giúp hệ thống miễn dịch của bệnh nhân phát hiện ung thư và tấn công nó. Theo bác sĩ Hải Bình, phương pháp này được sử dụng phổ biến trong những năm gần đây và đem lại nhiều kết quả khả quan.
Liệu pháp hormone: một số loại ung thư được thúc đẩy bởi kích thích hormone của cơ thể bệnh nhân ví dụ như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Loại bỏ các hormone đó ra khỏi cơ thể hoặc ngăn chặn tác động của chúng có thể khiến các tế bào ung thư ngừng phát triển.
Điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích: với mục tiêu tập trung vào các bất thường bên trong các tế bào ung thư cho phép chúng tồn tại.
Ngọc An