Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, Covid-19 rất nguy hiểm với những người có bệnh lý nền, đặc biệt là các bệnh ung thư bởi sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu. Tuy nhiên, người bệnh không nên lo sợ dịch bệnh mà trì hoãn thăm khám. Đối với bệnh ung thư, phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả cao, có thể đạt khỏi bệnh, ít biến chứng và chi phí điều trị thấp nhất. Những bệnh nhân đang điều trị cũng cần được điều trị liên tục đảm bảo đúng phác đồ. Chậm trễ không đi khám chữa bệnh có thể mất cơ hội vàng khỏi bệnh.
"Hiện, các bệnh viện có quy trình sàng lọc và test Covid-19 chặt chẽ, khả năng lây nhiễm chéo rất thấp, đảm bảo an toàn cho người bệnh khi khám và điều trị", bác sĩ Khiêm nói thêm.
Tiêm sớm vaccine Covid-19
Bác sĩ Khiêm khuyến cáo, trong khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, bệnh nhân ung thư cần thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế và dùng thêm kính chắn giọt bắn để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các giọt bắn của người đối diện.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh, bệnh nhân ung thư nên tiêm vaccine Covid-19 vì họ có thể trạng kém, sức đề kháng yếu hơn những người bình thường. Hệ miễn dịch yếu là điều kiện khiến virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, phát triển và gây bệnh. Đồng thời nếu mắc Covid, người bệnh ung thư dễ bị thể nặng hơn, điều này đã được thấy rõ trên thế giới và ngay tại Việt Nam. Chính vì vậy, người bệnh ung thư là đối tượng ưu tiên cần được tiêm phòng sớm và đủ liều.
"Tiêm phòng vaccine Covid-19 không ảnh hưởng tới phương pháp điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...). Các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị cũng không tác động nhiều tới hiệu quả của vaccine", bác sĩ Khiêm giải thích.
Tóm lại, nếu người bệnh không bị phản ứng dị ứng nặng hoặc không có tiền sử sốc phản vệ thì có thể tiêm vaccine. Tuy nhiên, cần lưu ý về thời điểm tiêm. Chẳng hạn, bệnh nhân cần tiêm vaccine ít nhất năm ngày trước phẫu thuật vì sau tiêm có thể bị sốt. Với các trường hợp hóa trị, người bệnh nên tiêm vaccine giữa các chu kỳ hóa trị; còn bệnh nhân xạ trị vẫn có thể tiêm bình thường.
Duy trì điều trị đúng phác đồ, chú ý dinh dưỡng
Về điều trị, bác sĩ Khiêm nhận định, bệnh nhân ung bướu cần điều trị đúng theo phác đồ, có thể nghỉ dùng thuốc vài ngày nhưng nếu nghỉ quá dài, các tế bào ung thư có thể tiến triển trở lại. Bệnh nhân điều trị bằng đường uống có thể theo dõi từ xa. Bác sĩ có thể tư vấn theo phác đồ điều trị khi biết loại thuốc họ đang sử dụng với điều kiện thuốc vẫn đáp ứng tốt. Với trường hợp dùng thuốc truyền, người bệnh có thể tới các bệnh viện có khoa ung bướu để truyền thuốc theo phác đồ điều trị. Trong mùa dịch, điều kiện di chuyển có thể khó khăn nhưng việc thăm khám vẫn cần thiết.
"Ngoài ra, khi bệnh nhân ung thư điều trị theo phác đồ tại nhà trong mùa dịch, gia đình nên chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì cách ly riêng người bệnh. Bởi vì họ đã phải chịu mệt mỏi cả về mặt thể chất và tinh thần, việc hạn chế tiếp xúc có thể khiến người bệnh dễ bị tổn thương tâm lý hơn", bác sĩ Khiêm lưu ý.
Với những người đã điều trị xong, điều trị triệt căn và khỏi bệnh thì có thể vận động sinh hoạt bình thường. Người bệnh nên chơi thể thao ở mức độ nhẹ như đi bộ, đạp xe, không nên vận động quá mạnh. Nhưng đối với những trường hợp ung thư di căn vào xương, vận động gắng sức có thể dẫn đến gãy xương.
Về dinh dưỡng, bệnh nhân ung thư cần có chế độ ăn phù hợp, đủ thành phần và dưỡng chất. Ăn nhiều rau, quả, các loại thức ăn dễ tiêu, nhiều vitamin và uống sữa... để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể. Không ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối và đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng...
Theo bác sĩ Khiêm, một số quan niệm cho rằng bệnh nhân ung bướu ăn nhiều đồ bổ dưỡng sẽ nuôi các tế bào ung thư là sai. Thực tế, nếu bệnh nhân không chịu ăn uống, các tế bào ung thư sẽ lấy chất dinh dưỡng của các tế bào lành để sinh sôi phát triển. Do đó, nếu không bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, người bệnh sẽ đối mặt với nguy hiểm trước khi chiến thắng bệnh ung bướu.
Tầm soát sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ
Theo một báo cáo được đăng tải trên Hiệp hội Ung thư Mỹ, đại dịch đã để lại nhiều hậu quả thứ phát, bao gồm giảm khả năng tiếp cận chăm sóc các bệnh khác. Khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở y tế phải chuyển hướng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe để điều trị bệnh nhân Covid-19 với số lượng gia tăng nhanh chóng. Đồng thời, bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi nguy cơ mắc nCoV bằng cách tạm dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không khẩn cấp. Các biện pháp này là cần thiết nhưng sự chậm trễ trong việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị ung thư làm gia tăng các chẩn đoán giai đoạn muộn và tử vong.
Bác sĩ Khiêm khuyến cáo, với bệnh ung thư, phát hiện càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi càng cao, càng tiết kiệm chi phí. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, người bệnh và gia đình sẽ chịu gánh nặng lớn về chi phí, hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể. Do đó, mỗi người cần duy trì khám sức khỏe định kỳ, thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, đặc biệt là trong mùa dịch.
"Con người có nguy cơ bị phơi nhiễm các yếu tố tác động từ môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Càng sống lâu, chúng ta càng có khả năng phơi nhiễm nhiều. Khi phơi nhiễm nhiều, tỷ lệ xuất hiện các đột biến càng cao, khả năng gây nên nhiều bệnh ung thư. Ngoài ra, cơ thể con người như một cỗ máy, càng sử dụng nhiều càng xảy ra sai sót. Cơ chế tự sửa chữa, tự bảo vệ của nó cũng kém dần theo thời gian. Vì vậy, ung thư và các bệnh chuyển hóa xuất hiện nhiều ở người cao tuổi", bác sĩ Khiêm nói thêm.
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ ung thư như: khối u ở vú, hạch to bất thường, ho kéo dài, đau âm ỉ hạ sườn phải, có máu trong phân, sụt cân không rõ nguyên nhân, da thay đổi... người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám hoặc tầm soát.
Châu Vũ