Điều gì bí ẩn đằng sau việc một thiên tài toán học bỏ học để đi tu? Tại sao lại có nhiều người quan sát hành vi, cách thay đổi sống của anh ta và liên tục tung hô là đã giác ngộ, ngộ đạo? Phải chăng xã hội ngoài kia còn những "thiên tài" như thế mà chưa thể tìm lối thoát? Tôi tự đặt câu hỏi này sau khi đọc bài viết "Thiên tài toán học Trung Quốc bỏ học đi tu".
Độc tài: là sự chuyên quyền mà ở đó một cá nhân hoặc một nhóm với quyền lực không giới hạn cai trị.
Nô lệ: là người bị bắt buộc phải làm việc không lương (không lợi ích cá nhân) cho người chủ, bị mất quyền con người, tự do và cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người chủ.
1. Động lực khiến con người làm việc:
- Động lực giới tính: Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã làm cho một người khi yêu lại có sức mạnh rất phi thường hơn những người bình thường? Họ thậm chí còn thay đổi cả tính cách, lối sống, sự nghiệp để lựa làm vừa lòng đối tác yêu đương và hôn nhân. Điều gì đã làm cho một chàng trai đang tuổi xuân phơi phới có thể đèo người yêu nặng 80 kg như đang bay? Trong khi đó, mới ngày hôm qua thôi, cậu ta đèo mẹ của mình nặng 45 kg cũng trên chiếc xe đạp ấy, cũng trên cung đường ấy nhưng lại cảm thấy nặng nề và ì ạch. Đấy chính là động lực giới tính có thể làm nên điều kỳ diệu. Trong khi chàng trai thường nói đùa với mẹ mình rằng: "Chữ hiếu nặng hơn tình". Có nhiều việc con người làm đều vì loại động lực này thúc đẩy, đặc biệt là cho các đối tượng khác giới.
- Động lực tỏ ra quan trọng: Mỗi người chúng ta tồn tại ở thế giới này đều cho rằng mình quan trọng. Người chồng, người cha cho rằng mình quan trọng với vợ, con mà ra gắng sức làm việc vì yêu thương gia đình. Con cái chăm lo học hành vì cho rằng vị trí của mình quan trọng với cha mẹ, và việc học là quan trọng với chính bản thân. Ông bà cho rằng mình quan trọng với con cái, với cháu chắt mà tiếp tục làm những công việc không tên như chăm cháu một cách vô điều kiện.
Ngay cả việc đứng trước sự lựa chọn giữa sống và chết, con người hay bất kỳ sinh vật nào khác luôn luôn cho rằng mình quan trọng hơn đối phương mà tìm cách bảo vệ bản thân, tiêu diệt đối thủ nếu cần. Thậm chí, nếu chúng ta cho rằng cái chết của mình là quan trọng để bảo vệ một người mà chúng ta yêu thương hơn cả mạng sống của mình thì chúng ta hoàn toàn có thể chết thay họ.
Điều gì khiến một cô gái tuổi đôi mươi chấp nhận lấy chồng xa, xa bố, xa mẹ ở nơi xứ người? Cũng là vì mưu cầu lợi ích cho mình, cho rằng mình quan trọng hơn những thứ khác. Điều gì làm mấy thế hệ thanh niên xuất ngoại đi làm thuê ở xứ người? Cũng vì sự quan trọng của miếng cơm, manh áo, của túi tiền... đối với người thân, với bản thân mà ra.
2. Tác dụng của sự khuyến khích:
Khi một người nào đó cho rằng họ quan trọng với một ai đó thì sự khích lệ, khuyến kích từ cá nhân quan trọng với mình sẽ là động lực to lớn để bản thân ý thức được sự quan trọng của mình với họ mà ra gắng sức làm những việc gì đó trong tâm trạng rất vui vẻ, phấn khích.
Chàng trai tuổi đôi mươi có thể đèo cô bạn gái nặng gấp đôi mẹ mình mà không thấy mệt mỏi, trong khi đèo người mẹ trên chính chiếc xe đạp ấy, trên chính cung đường ấy lại thấy mệt mỏi, tại sao lại vậy? Đâu phải chàng trai ấy tự thấy sự quan trọng của cá nhân anh ta trong mối quan hệ yêu đương với cô gái kia, mà chính những lời động viên, tán tính yêu đương, thủ thỉ của cô gái ấy những ngày trước đó hoặc đang diễn ra trên chiếc xe đạp đã khiến chàng trai nỗ lực một cách phi thường.
Người chồng không thể cố gắng làm việc mang tiền về cho một người vợ vô ơn. Người chồng đã được có được sự ghi nhận, khuyến khích, cổ vũ từ người vợ mà cố gắng làm lụng. Người cha cảm thấy mọi mệt mỏi được xua tan khi đứa con gái bé bỏng ngồi vào lòng mình và dùng chiếc khăn lau mồ hôi lăn trên trán cha. Tuy mới chỉ bập bẹ biết nói nhưng đứa trẻ ấy đã biết nói những lời động viên, cổ vũ cha mình, thể hiện sự biết ơn với người cha.
Cũng trong một lớp học, một nhóm học sinh lại chăm chỉ, lanh lợi, hoạt bát có vẻ được đánh giá là thông minh. Nhưng cũng trong lớp học ấy lại có những học sinh được gán nhãn là "cá biệt" tỏ ra ù lì, sợ sệt, không có hứng thú học hành. Tuy lớp học ấy cùng được dạy bởi một giáo viên, nhưng thái độ của vị giáo viên ấy dành cho những học sinh được đánh giá là ưu tú với học sinh cá biệt là khác nhau, cách nói chuyện cũng rất khác nhau. Mỗi khi nhóm học sinh ưu tú phát biểu, làm bài tập... thầy cô giáo lại không tiếc những lời khen ngợi, động viên, kích lệ tinh thần rất thoải mái. Trong khi nhóm học sinh còn lại, lại liên tục bị khiển trách, xúc phạm tới cái tôi của họ khiến họ không còn sự tự tin vào bản thân mình.
Trong một buổi phỏng vấn với một vị huấn luyện viên bóng đá, phóng viên hỏi: "Điều gì đã làm nên thành công của ông ngày hôm nay?". Vị huấn luyện viên ấy không ngần ngại chia sẻ: "Bí quyết của tôi đó là luôn động viên, khích lệ và ghi nhận sự nỗ lực của học trò. Tôi luôn nói "cừ lắm", "tốt lắm", "tuyệt vời"... với những bất kỳ sự nỗ lực nào đó của các cầu thủ trên sân."'Cậu đã làm rất tốt" chính là câu nói tuyệt vời nhất được phát minh ra". Có thể nói, sự khuyến khích, khích lệ đến từ những con người đặc biệt, quan trọng với chúng ta sẽ làm động lực quan trọng và động lực giới tính phát huy mạnh mẽ, tạo ra sức lực phi thường khiến các cá nhân làm việc một cách phi thường.
>> Những đứa trẻ vô ơn vì cha mẹ nuông chiều
3. Những cha mẹ thiếu kỹ năng lãnh đạo - gia đình độc tài:
Trong bất kỳ tổ chức xã hội của bất kỳ loài nào cũng luôn có những nhân vật lãnh đạo tổ chức đó. Và gia đình là một tổ chức của xã hội loài người. Nó được gây dựng nên bởi cha mẹ và những đứa con, có thể bao gồm nhiều hơn những mối quan hệ ruột thịt hoặc tình cảm khác. Nhưng dù có thế nào, đây vẫn luôn là hình thức tổ chức có người lãnh đạo. Cha mẹ thường lãnh đạo con cái, chồng hoặc vợ (thường các cá nhân có năng lực tài chính mạnh hơn) cũng có xu hướng đóng vai trò lãnh đạo trong gia đình. Và khi người lãnh đạo này thiếu các kỹ năng lãnh đạo sẽ làm cho gia đình trở nên bất ổn.
Nguyên nhân của sự bất ổn trong gia đình thường đến từ sự yếu kém trong vai trò lãnh đạo kinh tế và giáo dục con cái. Biểu hiện cụ thể nhất của sự yếm kém là việc lơ là, không sát sao trong việc giáo dục con cái hoặc quá chuyên quyền dẫn tới độc đoán kiểu gia đình trị.
Ở một gia đình có biểu hiện của cha mẹ độc tài, con cái thường bị giám sát quá mức, cha mẹ luôn ra lệnh, chỉ thị, can thiệp quá sâu vào đời sống, công việc của con. Họ lên lịch cho tất cả các hoạt động của con, liên tục nghĩ thay con cái. Họ không cảm thấy ý kiến của con cái họ là quan trọng và đáng để quan tâm. Họ phớt lờ tất cả ý kiến, thắc mắc từ con. Với họ, việc của con cái họ là làm theo mệnh lệnh, ý tưởng của họ một cách vô điều kiện. Bất kỳ sự bất mãn nào, biểu hiện không phục tùng nào có thể bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Họ là dạng cha mẹ thích kiểm soát mọi thứ một cách tuyệt đối.
Với con cái của họ, chúng sống như những "nô lệ" thực sự, luôn cố gắng làm hài lòng cha mẹ mình, không tồn tại bất kỳ sự phản khán, thắc mắc, hay bất mãn nào. Bởi nếu có sẽ bị trừng trị.
4. Những đứa trẻ "nô lệ" trong chính gia đình của mình:
Có thể nói, trong những gia đình có cha mẹ độc tài thì những đứa con của họ gần như là nô lệ. Chúng không dám nói lên những thắc mắc, suy nghĩ, tình cảm của mình. Chúng được dạy rằng phải tuân lệnh một cách vô điều kiện, nếu có bất kỳ hành vi nào tỏ ra bất mãn sẽ bị trừng phạt hoặc bị dọa sẽ xảy ra hậu quả rất lớn, làm chúng trở nên thiếu tự tin, không dám phạm lỗi hoặc thực hiện điều chúng đang nghi ngờ. Chúng phải sống với những mệnh lệnh, những kế hoạch mà cha mẹ đã vạch sẵn cho mình. Chúng đi học trường ba mẹ chọn, học môn học ba mẹ đăng ký, chơi với bạn do cha mẹ lựa chọn, đọc sách do ba mẹ muốn...
Việc của chúng là luôn luôn đáp ứng vô điều kiện mọi đòi hỏi của ba mẹ. Trong khi ba mẹ chúng luôn nghĩ rằng mình làm tất cả vì con. Như đã nói ở trên, động lực để chúng ta làm việc một cách năng suất nhất, hạnh phúc nhất chính là động lực tỏ ra quan trọng và động lực giới tính. Nhưng ở đây những đứa trẻ làm việc, hành động vì sự sợ hại bị trừng phạt hoặc dọa nạt của cha mẹ chúng vẽ ra, huyễn hoặc chúng.
5. Cuộc chạy trốn khỏi "xiềng xích":
Đa số những đứa trẻ "nô lệ" trong chính gia đình của mình sẽ cam chịu và chấp nhận mọi sự sắp đặt của cha mẹ chúng. Nhưng có mốt số ít lại tỏ ra "bất mãn và chờ thời". Khi thời cơ tới, chúng sẽ tự giải phóng cho chính mình. Những cuộc chạy trốn khỏi gia đình để đến với những vùng đất mới, nơi đó những đứa trẻ được sống một cuộc sống như chúng khát khao, được làm việc chúng muốn. Đây là một trạng thái tâm lý bình thường để tự giải phóng linh hồn, trí tuệ của mình khỏi sự giam hãm trong ngôi nhà của chính mình.
Trong cuộc giải thoát ấy, chúng có thể tìm tới một ngã rẽ khác của cuộc đời, có thể lựa chọn một cái "xiềng xích" khác mà không biết, tự hủy hoại chính mình hoặc có thể tự xây dựng mốt sự nghiệp, một cuộc sống riêng... tất cả đều có thể xảy ra. Các biến cố của một hiện tượng luôn là một con số vô cùng lớn. Và biến cố cho cuộc đời của những đứa trẻ như vậy cũng vô cùng phong phú. Có kẻ sẽ thành công, có kẻ lại rơi vào thất bại hoặc bị xích lại.
>> Những đứa con bị 'đúc khuôn' vâng lời
6. Cha mẹ cũng cần yếu đuối để con được mạnh mẽ và trưởng thành:
Quy luật bù trừ của tự nhiên sẽ lấy của người này bù cho người kia. Khi cha mẹ quá khắt khe, quá cứng rắn, quá mạnh mẽ thì con họ sẽ trở nên yếu đuối. Cha mẹ quá yếu đuối thì con cái thông thường sẽ trở nên mạnh mẽ. Cũng có một số ít các trường hợp cha mẹ và con cái cùng nhau cứng rắn quá mức hoặc cùng nhau yếu đuối tập thể, điều này sẽ khiến cho các cuộc đối đầu hoặc trốn chạy của họ trở thành bi kịch.
Con cái và cha mẹ quá cứng rắn xung đột lẫn nhau thì con cái thường bỏ nhà đi bụi hoặc trở thành nghiện ngập để thách thức cha mẹ hoặc có thể tìm tới cái chết thương tâm. Con cái và cha mẹ cùng nhau yếu đuối sẽ trở thành những gia đình có địa vị xã hội thấp, sẽ bị đào thải bởi tự nhiên. Do đó, để đảm bảo cho sự bền vững của một kết cấu tổ chức nào đó thông thường sẽ có sự cân bằng giữa mềm mỏng và cứng rắn, sự bù trừ lẫn nhau để cùng tồn tại. Trong gia đình cũng vậy, đôi lúc cha mẹ cần phải là một diễn viên tốt để làm người yếu đuối, giúp con mình cứng rắn, và đôi lúc họ cần cứng rắn để con mình học cách mềm mỏng.
7. Khoa học là công cụ giải quyết mọi vấn đề đảm bảo cho sự tồn vong của các hình thức tổ chức xã hội, trong đó có gia đình:
Có thể nói gia đình chính là một tổ chức xã hội thu nhỏ. Ở đó sẽ luôn phát sinh các vấn đề và cần tới người giải quyết vấn đề. Dù vấn đề là tài chính, tình cảm, mối quan hệ giữa các cá nhân, công việc, sự nghiệp... đều phải được giải quyết trên cơ sở của khoa học. Vấn đề tài chính có kiến thức tài chính cá nhân, tài chính gia đình để giải quyết. Vấn đề tình cảm, mối quan hệ giữa các cá nhân đã có kiến thức về tâm lý học để giải quyết. Nếu các vấn đề không được giải quyết trên cơ sở của khoa học và sự hiểu biết thực sự mà đi vào con đường "thần quyền hóa" để rồi đi bói toán, cúng sao giải hạn, sự dọa nạt và trừng phạt thì những vấn đề ấy chẳng bao giờ được giải quyết cả.
Cuối cùng, có lẽ kiến thức về lãnh đạo là thứ đáng học hỏi nhất, đáng dạy nhất để có thể giúp con người vượt qua mọi khó khăn, biết lắng nghe và tôn trọng người khác, trong đó có con cái của mình. Cha mẹ cũng cần là người lãnh đạo cừ khôi và tài tình, tránh con đường trở thành "cha mẹ độc tài".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.