"Vì sao có những đứa trẻ không biết ơn?", nhiều độc giả VnExpress cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chính sự nuông chiều thái quá của các bậc cha mẹ:
Vô ơn, vô cảm, vô lễ là những điều dễ nhận thấy ở nhiều trẻ. Lỗi đầu tiên thuộc về chúng ta - những bậc cha mẹ của chúng. Đừng đổ lỗi hay ngụy biện này nọ, hãy trung thực nhìn nhận, ta sẽ thấy con em mình chính là nạn nhân của chúng ta khi còn nhỏ và cả khi chúng trưởng thành về thể xác.
Thoát ra khỏi đói khát, thiếu thốn, như một trào lưu, chúng ta đã lấy vật chất làm thước đo duy nhất giá trị con người. Hệ quả là chủ nghĩa thực dụng lên ngôi và những gì đang diễn ra như một tất yếu của một tiến trình nhân quả.
Nhiều đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ "đáp ứng con cái là nghĩa vụ của cha mẹ".
Không chỉ với cha mẹ, những đứa trẻ này khi đi làm, được đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ, cũng coi là hiển nhiên. Người giúp không nhận được một lời cảm ơn, không nhận được thái độ biết ơn. "Đứa trẻ" đó, sau khi không còn liên quan nữa, sẽ ra đi một cách dửng dưng và vô ơn.
Ngay từ bé, vào sinh nhật, các bậc làm cha làm mẹ ngày nay đã biến con thành cái rốn của vũ trụ, là ông trời, là bà hoàng, luôn được chiều chuộng, mà quên dạy con một lời cảm ơn ba mẹ.
Bởi, vào cái ngày mang con đến cuộc đời này, cha mẹ vui nhiều, nhưng lo lắng, nhọc nhằn biết bao nhiêu cho xuể. Nhưng tuyệt nhiên, không một lời cảm ơn. Đó là tại người lớn đã khiến trẻ coi đó là hiển nhiên, không cần biết ơn.
Là một người cha, tôi thấy việc nuông chiều con cái là từ chủ quan với lòng yêu thương không điều kiện, nhưng cũng tác động bởi yếu tố khách quan. Tâm lý không để con mình thua thiệt con người ta làm cho bố mẹ nuông chiều con bằng cách mua đồ không cần thiết khi con đòi bằng bạn bằng bè. Nhiều người chỉ cần con ăn chơi, không phải làm vì con người ta trắng đẹp, con mình xấu thì xấu cả mặt mình.
Cho con cái đầy đủ, thậm chí nuông chiều thái quá cũng là cách một số bậc cha mẹ coi như cách thể hiện đẳng cấp với người khác. Nhìn thấy vâỵ, nhiều người khác lại cũng đua theo... Các bậc cha mẹ so kè nhau qua đứa con của mình, từ đó hình thành một cuộc đua nuông chiều con. Con cái chưa làm cha mẹ, nên không hiểu chuyện, không coi trọng bố mẹ cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều người vẫn đang tự hào về nuông chiều con và hiểu sai về quyền trẻ em. Quyền trẻ em sinh ra để bảo vệ trẻ khi bị bạo lực, còn vẫn khuyến khích dạy dỗ trẻ. Thế mới có những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có cha mẹ dạy dỗ tốt nên rất ngoan và có trách nhiệm với cuộc sống của chúng nói riêng, cũng như xã hội nói chung.
Lòng biết ơn của trẻ, không phải là cần con phải trả lại công ơn sinh dưỡng, mà phải dạy trẻ biết ơn khi được nhận bất cứ điều gì. Bởi vậy nên học tiểu học, môn Đạo Đức luôn nhắc nhở: lòng biết ơn, lòng trung thực...
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.