Chia sẻ với tác giả câu chuyện "Muốn kéo con trở lại với tôi", độc giả Yeudoi chỉ ra sai lầm của nhiều bậc cha mẹ khi yêu thương quá đà và muốn quyết định mọi thứ thay con: "Nhiều người quan niệm con cái phải luôn nghe lời mới là con ngoan. Vậy những kỹ năng sống khác như: tự lập, quyết đoán, bản lĩnh, chính kiến có quan trọng cho một cuộc sống thành công không?
Mẹ chưa bao giờ bắt tôi phải nghe lời, phải thế nọ, thế kia, mà luôn cho tôi quyền lựa chọn và quyết định. Mẹ luôn có mặt cổ vũ khi tôi thành công, và động viên khi tôi thất bại, giúp tôi tự học những bài học nhỏ mà quý giá trong suốt những năm thơ ấu. Mẹ để cho cảm xúc và suy nghĩ của tôi được tự do, tôi thích, hẹn hò với bạn nam nào cũng có thể thoải mái kể cho mẹ, và mẹ sẵn sàng chia sẻ, giúp tôi hiểu hơn về tâm lý phái nam, về cách nhìn người để sau này có lựa chọn đúng đắn. Mẹ cổ vũ khi tôi muốn du học để mở rộng tầm mắt, hiểu hơn về thế giới và bản thân.
Bây giờ, tôi cũng là một người mẹ, có cuộc sống, gia đình riêng, nhưng gần như hôm nào cũng nói chuyện tâm sự với mẹ. Các phụ huynh hãy mở rộng suy nghĩ của chính mình và trở thành hậu phương vững chắc, cổ vũ, chia sẻ và động viên cho mọi quyết định của con cái'.
Ủng hộ quan điểm cha mẹ để con tự va vấp và trưởng thành thay vi che chở, bao bọc quá mức, bạn đọc Thaothuong17 nhấn mạnh: "Về tình cảm, không gì sánh được tấm lòng của người mẹ. Nhưng về phương pháp thì nhiều người mẹ đã quá sai khi muốn quản tất tần tật mọi việc của con, từ học hành, nghề nghiệp, các mối quan hệ... đến việc chọn vợ, chồng của con sau này. Tôi cũng chỉ có một đứa con gái, năm nay 19 tuổi, và tôi chỉ phân tích, định hướng cho con thôi.
Cũng có những lúc, hai mẹ con xung đột gay gắt do mâu thuẫn quan điểm. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống của nó sau này mình không sống thay được nên cứ để cho nó tự quyết định và chịu trách nhiệm với những việc làm của mình. Có va vấp dần sau này trong cuộc sống mới vững vàng được. Chứ bao bọc quá sợ sau này ra đời cứ như 'gà gô' thì rất dở. Suy cho cùng, bạn có muốn cũng chẳng bao bọc con cả đời được".
Đồng quan điểm, độc giả Hương Trần khẳng định việc cha mẹ bắt con cái phải sống theo ý mình là một sai lầm: "Nhiều cha mẹ luôn muốn đúc con vào một cái khuôn mang tên ngoan ngoãn. Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều cần được chấp nhận cả hai mặt (tốt và xấu; khoan dung, lương thiện và cả ích kỷ, nóng nảy...). Vì đó là tâm lý bình thường của một con người. giai đoạn dậy thì cũng chỉ là khi con vật lộn giữa cái tôi bản thân và ý kiến của cha mẹ.
Đừng bỏ rơi con cái mình, đẩy chúng ra phía sau niềm đam mê của bản thân. Bởi như vậy là bạn đang coi mình quan trọng hơn con, tự cho rằng những việc mình làm là hợp lý mà bỏ qua mọi cảm xúc thực sự của con cái. Con bạn có thể ngoan ngoãn nghe lời như một sự bắt buộc từ phía cha mẹ, nhưng khi lớn lên, chúng sẽ nhận thức được rằng mình mãi mãi chỉ là số hai. Vậy nên, đừng cố bắt ép con phải sống thay cho cuộc đời của cha mẹ".
Chỉ ra những điều quan trọng mà cha mẹ nên cư xử với con cái, bạn đọc Mq.bkcomp chia sẻ:
"Cái sai của nhiều cha mẹ là coi con như những đứa trẻ bé bỏng. Trong khi đó, những đứa trẻ đang ở độ tuổi dần trưởng thành sẽ có những biến đổi về mặt tâm lý, tình cảm:
1. Con cần sự riêng tư hơn nên ít tâm sự.
2. Con hình thành khả năng tự lập nên sẽ muốn tự giải quyết các vấn đề cá nhân.
3. Con không còn thích cha mẹ vuốt ve, ôm ấp quá nhiều.
Đó là những biểu hiện tâm lý hết sức bình thường của một con người. Vậy nên, cha mẹ hãy:
1. Bớt coi con như đứa trẻ lên ba, lúc nào cũng ôm ấp, vuốt ve con.
2. Lùi lại phía sau để quan sát con hơn là lúc nào cũng à ơi, tâm sự.
3. Cho con không gian, thời gian riêng nhiều hơn.
4. Mọi sự giáo dục lúc này chỉ nên dừng ở mức định hướng, không nên bó buộc, áp đặt.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.