Ông Đức đi tiểu khó, tiểu không hết nhiều năm, dùng thuốc không khỏi. Xét nghiệm máu của người bệnh ghi nhận chỉ số PSA (định lượng nồng độ kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt) đến 56,4 ng/mL, mức bình thường dưới 4 ng/ml.
Chụp cộng hưởng từ cho thấy tuyến tiền liệt có vùng tổn thương ngoại vi 2x3 cm, nguy cơ ung thư rất cao. Kết quả sinh thiết sau đó khẳng định bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, xâm nhập thần kinh, độ ác tính trung bình.
Ngày 17/9, PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung Tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân được phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc bằng phương pháp nội soi để giảm đau.
Ê kíp tạo 4 lỗ nhỏ để đưa 4 ống nội soi vào ổ bụng người bệnh, bơm CO2 vào để tăng không gian phẫu thuật, sau đó cắt ống dẫn tinh hai bên. Ê kíp ghi nhận u xâm lấn vỏ bao, mô ung thư dính chặt mô xung quanh, chảy máu nhiều. Mặt sau tuyến tiền liệt dính nhiều với mô, có nhiều mạch máu tăng sinh.
Bác sĩ Chuyên quyết định kết hợp mổ mở, tránh mất nhiều máu, an toàn cho người bệnh và cắt được toàn bộ tuyến tiền liệt.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, cầm máu vùng mổ, khâu nhỏ cổ bàng quang. Bác sĩ tiếp tục khâu nối niệu đạo sau vào cổ bàng quang, đặt một ống thông tiểu silicon. Sau cùng, bác sĩ đặt hai ống dẫn lưu và khâu vết mổ, kết thúc ca mổ sau 5 tiếng.
Bác sĩ Cương đánh giá thao tác mổ và khâu tỉ mỉ, đi sâu vào bên trong vùng chậu, chính xác đến từng mm, tránh được tổn thương các mạch máu và dây thần kinh xung quanh. Nhờ đó, người bệnh được bảo tồn chức năng sinh lý và đường tiểu, giảm rò rỉ nước tiểu sau mổ. Tuyến tiền liệt, hai túi tinh và hạch chậu được gửi đến phòng giải phẫu bệnh.
Sau 5 ngày, bệnh nhân hồi phục, ăn uống, đi lại bình thường, dự kiến được rút ống thông tiểu sau hai tuần, tự đi tiểu bình thường. Người bệnh có thể quan hệ tình dục nhưng không còn tạo ra tinh dịch và xuất tinh nên không có khả năng sinh sản.
Tuyến tiền liệt bao quanh ống dẫn tiểu, góp phần sản ra xuất tinh dịch. Bác sĩ Chuyên cho biết phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại khó nhất trong ngành Tiết niệu. Tuyến này nằm sâu ở vùng bụng, dưới xương mu, tập trung nhiều mạch máu, xoang tĩnh mạch, phía sau là trực tràng. Trong quá trình thao tác, bác sĩ phải tránh gây tổn thương các mạch máu và dây thần kinh xung quanh, bảo tồn chức năng sinh lý và chức năng đường tiểu, giảm rò rỉ nước tiểu sau mổ.
Theo Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư tuyến tiền liệt là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới Việt. Theo bác sĩ Tân Cương, mỗi năm, cả nước ghi nhận hơn 6.000 ca mắc mới, khoảng 85% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ Cương khuyến cáo ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển âm thầm trong thời gian dài, nguy cơ tăng lên ở nam giới lớn tuổi. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa.
Nam giới tiểu khó, tiểu không hết, tiểu ngắt quãng, tia tiểu yếu, tiểu nhiều lần... nên đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời. Nam giới trên 50 tuổi nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Trường hợp trẻ tuổi nhưng gia đình, họ hàng có người thân bị bệnh này cũng nên đi khám.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh có tiên lượng tốt, có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật hoặc xạ trị. Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng, mổ mở hoặc phối hợp cả hai.
Ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn xung quanh hoặc di căn tới các cơ quan như trực tràng, bàng quang, túi tinh, cơ thắt niệu đạo, hạch bạch huyết, xương, gan, phổi... Trong trường hợp này, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế nội tiết, có thể kết hợp hóa, xạ trị.
Nguyễn Trăm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiết niệu - nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |