Sau gần 5 giờ, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM phẫu thuật lấy trọn khối u có đường kính hơn 10 cm cho bà Thu Vân (Bình Thuận). Đây là khối phình động mạch cánh tay trái lớn gấp 20 lần kích thước bình thường. Ngày 21/9, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, 5 ngày sau phẫu thuật, bà Vân rời khỏi phòng hồi sức tích cực với cánh tay trái hoạt động gần như bình thường, sức khỏe được phục hồi.
Chị Nga (con gái của bà Vân) kể lại, từ mấy năm trước, ở mặt trong cánh tay trái của bà xuất hiện khối u giống như u mỡ. Tuy nhiên, vì khối u nhỏ, chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, không gây đau nhức nên bà không đi khám. Đến cuối tháng 8/2022, khi khối u phát triển nhanh, chỉ trong vòng 2 tuần đã choán gần hết bắp tay trái, bầm tím, bắt đầu nhiễm trùng và có dấu hiệu lở loét, bà mới đến bệnh viện tỉnh thăm khám. Các bác sĩ xem xét khối u và chuyển bà vào TP HCM điều trị.
Lúc này, cánh tay đau nhức, uống thuốc giảm đau không đỡ, bà chẳng còn thiết tha ăn uống. Lo lắng khối u để lâu có nguy cơ vỡ ra, thấy bà gần như không còn sức chịu đựng đau đớn, gia đình đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng cho biết, hình ảnh trên siêu âm tim và phim chụp CT mạch máu cho thấy, đây là khối phình của động mạch cánh tay, kích thước 10 cm (động mạch này ở người bình thường chỉ có kích thước khoảng 5-6 mm). Khối bướu căng phồng dọa vỡ, da tím đen, khiến người bệnh đau nhức và khó khăn trong sinh hoạt.
Theo bác sĩ Dũng, đây là trường hợp khẩn cấp, tiên lượng ca mổ rất phức tạp. Mục tiêu của các bác sĩ là cắt bỏ hoàn toàn khối phình động mạch, sau đó lấy một đoạn tĩnh mạch ở cánh tay để thay thế cho phần động mạch phình, vỡ. Bệnh nhân lớn tuổi, chức năng các cơ quan như tim, gan, thận... chưa được đánh giá và chuẩn bị tốt. Do đó, trong quá trình mổ có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm tính mạng người bệnh như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy cơ quan nội tạng. Song, nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp liên chuyên khoa phẫu thuật tim mạch - Lồng ngực và gây mê hồi sức, cuộc mổ diễn ra suôn sẻ.
Sau ca mổ, bệnh nhân cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ, uống thuốc theo toa (các loại thuốc điều trị huyết áp cao và cholesterol cao, thuốc chống đông máu...) để ngăn ngừa bệnh tái phát.
"Với nhiều bệnh nền, tuổi cao, bà hồi phục nhanh sau phẫu thuật phức tạp là điều mà gia đình tôi chưa dám mơ tới", chị Nga (con của bà Vân) bày tỏ.
Động mạch là những mạch máu lớn mang máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể. Theo bác sĩ Dũng, các yếu tố nguy cơ dẫn đến phình động mạch bao gồm xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhiễm trùng gây tổn thương động mạch, gia đình có tiền sử phình động mạch... Người trên 65 tuổi, thừa cân - béo phì, hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa cũng là những đối tượng có nguy cơ gặp tình trạng này cao hơn.
Phình động mạch có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể như ngực, bụng, não, chân, hay tay... Nếu không được điều trị, khối phình có nguy cơ vỡ ra, gây chảy máu, nhiễm trùng... Bên cạnh đó, nó cũng có khả năng gây ra cục máu đông làm tắc nghẽn dòng chảy của máu trong động mạch, đe dọa tính mạng.
Phương pháp điều trị phình động mạch phụ thuộc vào loại, kích thước khối phình. Tùy theo tổn thương và tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ xem xét chỉ định kỹ thuật điều trị phù hợp. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, không thể phòng ngừa tuyệt đối chứng phình động mạch nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách duy trì chế độ ăn uống thân thiện với tim mạch, kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp và đái tháo đường, hoạt động thể chất thường xuyên, cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá và thăm khám sức khỏe nếu có bất thường.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thu Hà
(Ảnh: Trăm Nguyễn)