Mổ cắt thận là một phẫu thuật lớn trong chuyên ngành tiết niệu. Người bệnh cần vài tuần hoặc lâu hơn để hồi phục. Thủ thuật thường được thực hiện để điều trị tổn thương thận hay các bệnh như ung thư thận, hiến thận để cấy ghép.
Tuổi thọ của người đã cắt thận phụ thuộc vào một số yếu tố, như nguyên nhân dẫn đến phẫu thuật, cắt một phần hay toàn bộ một quả thận, sức khỏe của quả thận còn lại, bệnh lý nền.
Cắt một phần thận có thể chỉ định với người bệnh có khối u khu trú ở một vùng của thận, chưa di căn rộng. Đánh giá tổng hợp trên Tạp chí Y học Lâm sàng năm 2022 ước tính khả năng sống sau 5 năm khi cắt bỏ một phần thận do ung thư thận dao động từ 82,6 đến 97,9%.
Cắt bỏ toàn bộ một quả thận là phẫu thuật xâm lấn hơn, thường được chỉ định khi ung thư lan khắp thận. Nghiên cứu trên hơn 1.360 bệnh nhân tại Trung Quốc năm 2023 ước tính tỷ lệ sống sau 5 năm khi cắt một quả thận là 82,8%.
Tỷ lệ sống sau phẫu thuật cắt thận do ung thư thận cũng thay đổi tùy giai đoạn bệnh. Một nghiên cứu hồi cứu quy mô lớn tại Mỹ, gồm hơn 87.200 bệnh nhân ung thư tế bào thận (một loại ung thư thận phổ biến) cho thấy tỷ lệ sống của người mắc ung thư giai đoạn 1 hoặc 2 không thay đổi sau khi cắt thận. Tỷ lệ sống sau 5 năm tăng lên đối với người mắc ung thư tế bào thận giai đoạn 3 hoặc 4 sau mổ cắt thận.
Người cắt thận với mục đích hiến tặng có tuổi thọ cao hơn người được phẫu thuật để điều trị bệnh. Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 2017, hiến một quả thận ước tính làm giảm tuổi thọ từ 0,5 đến 1 năm. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở nhóm này là bệnh thận mạn giai đoạn cuối ở quả thận còn lại. Hút thuốc và béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh này.
Người được phẫu thuật cắt thận nên đến bác sĩ khám định kỳ để theo dõi khả năng hồi phục, kiểm tra các vấn đề liên quan đến thận còn lại. Nhiều người không gặp bất kỳ vấn đề nào khi sống với một quả thận, nhưng một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng, biến chứng như tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận, tăng nguy cơ tiền sản giật (biến chứng thai kỳ nghiêm trọng với huyết áp cao và protein trong nước tiểu). Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể được thực hiện để theo dõi chức năng thận.
Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu có, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp, tránh nhiều muối, uống đủ nước, kiểm soát cân nặng, lượng đường trong máu và cân bằng khoáng chất hợp lý. Tránh hoạt động mạnh và gắng sức, chỉ nên vận động nhẹ nhàng. Hạn chế tham gia các môn thể thao tiếp xúc để bảo vệ quả thận còn lại.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)