Chứng kiến cảnh nhiều hộ gia đình nông dân nghèo ở Hà Tĩnh đổi đời nhờ cắt đất bán dần với giá cao, độc giả Nguyễn Sỹ Hùng đặt câu hỏi về những hệ lụy phía sau cơn sốt đất: "Tôi không cổ xúycho việc làm giàu từ đất đai, bởi tài nguyên đất cần được quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Tôi tự hỏi với tình hình sốt đất trên cả nước như hiện nay, trong khi đại đa số người dân Việt Nam là tầng lớp lao động phổ thông, làm việc vài ba đời may ra mới đủ tiền mua một mảnh đất, vậy liệu sẽ có một thế hệ nông dân phải thuê nhà để ở trong tương lai hay không? Hệ lụy với xã hội từ việc sốt đất này là gì?".
Là một người từng trực tiếp chứng kiến những cuộc sốt đất, bạn đọc Vvphien chia sẻ: "Đổi đời nhưng trở nên tốt hơn hay xấu đi thì chưa ai biết. Hạnh phúc của mỗi gia đình không thể chỉ đong đếm bằng tiền. Tôi ở Đà Nẵng, từ những năm 2000-2010, vùng ven thành phố bắt đầu sốt đất, những hộ dân làm nông chân chất bắt đầu được đền bù hàng trăm triệu tiền giải phóng mặt bằng - số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Đúng là sau đó ai cũng đổi đời, nhưng tốt lên thì ít mà tệ đi thì nhiều.
Có tiền, nhiều người bắt đầu sa vào bài bạc, nhậu nhẹt, cá độ, lô đề, sắm xe phân khối lớn để khoe mẽ... Cuối cùng tiền hết, họ lại rủ nhau về "cái máng lợn cũ". Đám thanh niên đua xe, phá phách, đứa què, đứa cụt, có đứa mất mạng. Gia môn chung quy lại là bất hạnh. Chỉ có tiền tự thân kiếm được thì họ mới biết giữ, chứ tiền tỷ 'từ trên trời rơi xuống' (đánh đổi bằng đất đai) thì sau những choáng váng ban đầu, người ta sẽ sa vào ăn chơi, giành giật, để rồi càng khổ hơn xưa".
>> 'Bất công khi nhiều người ngồi không vẫn giàu nhờ sốt đất'
Nói về những hệ lụy đằng sau sốt đất, độc giả Dinhcongthuong nhấn mạnh: "Sốt đất lợi bất cập hại vì nguồn lực xã hội thay vì được huy động, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra việc làm, tạo ra sản phẩm cho xã hội, thì nay tiền bị chôn vùi vào bất động sản để mong tăng giá. Khi cơn sốt qua đi nhiều người mua đất bị nợ nần, thua lỗ và phá sản; nhiều người dân có đất bán được giá cao bỗng dưng giàu lên nhanh chóng, nhưng đầu óc vẫn là tư duy của của người không biết cách đầu tư để sinh lời mà chỉ mua sắm tiêu dùng nên nhanh chóng tái nghèo trở lại, gây bất ổn xã hội và nhiều hệ lụy khác".
"Tôi thấy sốt đất tiêu cực hơn là tích cực. Cách đây chục năm, quê tôi có làm dự án sân golf, đất rừng bị thu hồi, người dân được đền bù vài trăm triệu đồng, có nhà được cả 1,2 tỷ. Có tiền, họ xây nhà to, con cái không có việc làm sinh ra nghiện ngập dù trước đây cả làng không có ai nghiện. Rồi không có đất sản xuất, tiền lại hết, bây giờ lại một cơn sốt đất ập đến, tăng giá gấp 10 lần, nhiều nhà lại đua nhau bán đất. Rồi không biết con cái họ sau này ở đâu? Vài tỷ đồng tuy không ít, nhưng cũng chẳng nhiều. Chỉ có cần cù lao động mới giàu có bền vững. Tổ tiên chúng ta không khai hoang thì con cái sao có đất để bán như ngày hôm nay?", bạn đọc Nguyenvantienbd bổ sung thêm.
>> Một tháng buôn đất lãi tiền tỷ
Trong khi đó, độc giả Quocvietdesign83 chỉ ra viễn cảnh đen tối sau khi người dân đua nhau bán đất giá cao: "Người nông dân có hoàn cảnh khó khăn, vất vả cả đời nên thấy đất có giá, họ liền bán luôn để cầm số tiền lớn mà cả đời làm lụng cũng khó có được. Họ muốn có cuộc sống thoải mái hơn khi đã già, và tâm lý này cũng là dễ hiểu. Nhưng nếu nghĩ xa hơn, với một vài tỷ đồng đó, có thể với họ là nhiều, nhưng với giá cả thị trường bây giờ đắt đỏ, số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Nếu không thể sinh ra lợi nhuận, thì họ tiêu dần rồi cũng sẽ hết.
Câu hỏi đặt ra là sau khi hết tiền, họ sẽ làm gì để sống tiếp khi không còn sức khỏe để đi làm thuê, làm mướn, cũng chẳng còn đất để nuôi mấy con già, con lợn, trồng ít rau... nuôi thân? Phần đông người nông dân khi có tiền bán đất trong tay sẽ nghĩ ngay đến chuyện xây nhà đẹp, mua xe sang, sắm sửa đồ dùng hiện đại thay vì tính kế sinh nhai sau này".
Khẳng định sốt đất rất không bình thường trong một nền kinh tế lành mạnh, bạn đọc QTr kết lại: "Thứ nhất, sau 5-10 năm bán đất, người dân sẽ sinh kế bằng nghề gì, đời con cái canh tác, sinh sống ở đâu? Lúc đó, nếu giá đất lên quá cao, con cái họ cũng không đủ tiền mua lại. Họ sẽ không những nghèo mà còn rất nghèo.
Thứ hai, sốt đất chỉ bình thường nếu những khu vực đó thật sự được mở rộng để sản xuất, kinh doanh, du lịch (mang lại giá trị thực) và tăng giá ở mức độ vừa phải. Còn với việc giá đất tăng tới ba, bốn, thậm chí cả chục lần trong vài năm thì sẽ chẳng có ngành kinh doanh nào mang lại lợi nhuận tương xứng với sự gia tăng đó. Do vậy, nó sẽ chững lại hoặc xuống giá để tương ứng với sự phát triển ngành nghề khác. Những cuộc sốt đất do 'cò' thổi giá hoặc những lời đồn rất nguy hiểm, nó không bình thường trong nền kinh tế lành mạnh".
Trong khi đó, nhìn câu chuyện nông dân bán đất dưới một góc nhìn khác, độc giả Quoc Khanh cho rằng: "Hiện tại miếng đất đó cằn cỗi và không có kế hoạch sử dụng, trong khi nhiều hộ gia đình nghèo, bán miếng đất bỏ hoang để có tiền xây nhà, cho con ăn học, làm ăn nghề khác, vậy có gì không tốt? Tất nhiên miếng đất đó sẽ tăng giá và khó mua lại, nhưng nếu họ vẫn ôm miếng đất bỏ hoang thì gia đình khó có cơ hội đi lên.
Còn chuyện con cái có tiền sinh ra nghiện ngập, phá của là do giáo dục. Còn nhiều gia đình khác, con cái không theo nghề nông, họ bán đất bỏ không, lấy tiền đầu tư con cái học hành, kinh doanh ngành nghề khác, phát đạt chẳng phải là đúng đắn hay sao? Tóm lại, tốt hay xấu là do bản thân người bán sử dụng đồng tiền có hiệu quả hay không, giáo dục và năng lực mỗi người tới đâu, chứ không phải do bán đất giá nào.
Nếu họ bán đất rồi tiêu xài, không có tầm nhìn, không giữ gìn cho con cái thì họ sai, con họ sau này khổ. Còn nếu bán đi để lấy tiền trang trải cuộc sống, làm việc khác để sinh lời tốt hơn thì lại là chuyện đáng mừng".
Đồng quan điểm, bạn đọc FWY đặt ra bài toán sử dụng hiệu quả số tiền bán đất cho người nông dân: "Giả sử người nông dân bán miếng đất được 1,9 tỷ đồng, họ đem tiền vào vùng sâu hơn có thể mua được sáu miếng đất khác với giá 300 triệu đồng mỗi mảnh (nếu không xây nhà). Để 20 năm sau, sáu miếng đất đó bán ra có khi cũng được cả chục tỷ đồng.
Còn nếu họ chọn xây nhà và chia cho các con một tỷ đồng, thì vẫn còn dư 900 triệu đồng, đủ mua được hai miếng đất khác và dư 300 triệu đồng để gửi ngân hàng phòng trường hợp khẩn cấp hoặc dưỡng già. Sau 15-20 năm, hai miếng đất vùng sâu lại thành khu dân cư đông đúc, giá tiền tỷ. Tiền lại đẻ ra tiền.
Nói chung, bán đất, họ có thể dùng tiền đầu tư cho các con học hành, thuê sạp ngoài chợ bán rau bán cá kiếm thu nhập đều đều, trong khi nhà cửa lại khang trang ,tâm trạng phấn khởi, sức khỏe tràn đầy. Vậy chẳng phải rất ổn sao?".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.