Đọc bài viết 'Lương công nhân gấp ba lần bác sĩ', tôi biết sẽ có nhiều người nói rằng "sao bác sĩ không đi làm công nhân cho nhanh giàu?". Xin thưa với các bạn rằng, câu chuyện bất cập của ngành Y, cụ thể là lương bác sĩ thấp, dẫn đến chất lượng dịch vụ giảm, là một vấn đề vĩ mô. Nhưng nhiều người vẫn rất hay trả lời một vấn đề vĩ mô bằng những trường hợp cụ thể (vi mô).
Không phải tôi coi thường công nhân, nhưng thực ra bác sĩ bỏ việc có thể đi làm công nhân, nhưng thử hỏi có công nhân nào chuyển sang làm bác sĩ được nếu không học hành bài bản? Và nếu cứ suy nghĩ theo kiểu "bác sĩ lương thấp thì nghỉ việc" trên tầm vĩ mô như nhiều độc giả bình luận, thì liệu ai khám cho bệnh nhân Bảo hiểm y tế? Câu trả lời là khi đó ngành Y sẽ thiếu người, và các y bác sĩ chưa đủ trình độ khám bệnh sẽ phải làm thay. Bởi vì nhân lực ngành Y không phải muốn là có ngay, quá trình đào tạo một bác sĩ tối thiểu cũng phải 10 năm, đó là còn chưa tính đến chuyện kinh nghiệm thăm khám.
Và hậu quả nhãn tiền khi đó là bệnh viện công bị khủng hoảng nhân lực. Tôi có tiền nên có thể ra ngoài khám tư - nơi các bác sĩ giỏi đổ về để được đảm bảo thu nhập, đãi ngộ xứng đáng. Thế nhưng, thử hỏi mấy ai có tiền như tôi để đi khám tư?
Thực tế, ngay cả những bệnh viện được lập ra từ những tổ chức từ thiện quốc tế, cũng phải đảm bảo cho nhân viên (kể cả lao công, bảo vệ) nói chung và y bác sĩ nói riêng một mức thu nhập tương xứng để đủ lo bản thân họ và gia đình. Chứ không hề dùng cái mác "hỗ trợ, từ thiện" mà trả lương thấp cho nhân viên y tế.
>> Nghịch lý lương bác sĩ, giáo viên thấp hơn công nhân
Tôi từng hiến máu tại một bệnh viện Nhi do quốc tế hỗ trợ tại một tỉnh nghèo ở Campuchia hơn 10 năm trước. Khi đi ngang qua đó, chúng tôi nghe nói có một buổi kêu gọi du khách quyên góp để cứu trợ cho tình hình thiếu máu ở địa phương. Chúng tôi tham gia và được mời nghe một buổi biểu diễn violin do chính Giám đốc bệnh viện trình diễn để cảm ơn các du khách.
Màn trình diễn kết thúc, vị bác sĩ người Thụy Điển chia sẻ với tất cả chúng tôi rằng: "Bệnh viện hoạt động từ nguồn quỹ từ thiện, nó đảm bảo cho thu nhập cho tất cả nhân viên. Đến cả người lao công cũng có lương gần 1.000 USD một tháng".
Bác sĩ này chia sẻ thêm, ông cũng buồn lòng khi các bệnh nhi ở Việt Nam chưa được chăm sóc kỹ càng. Nhiều phụ huynh vì muốn cho con tốt hơn đã phải "dúi thêm tiền" cho nhân viên y tế, quà cáp cho bác sĩ. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ cảm thông với tình hình thu nhập và môi trường quá tải của các đồng nghiệp ở Việt Nam.
Đến cả người nước ngoài cũng có cái nhìn khách quan và phần nào cảm thông đến đội ngũ y tế của nước ta. Nhưng đáng buồn là nhiều người Việt lại chẳng thông cảm cho y bác sĩ, họ chỉ muốn chê bai cho sướng miệng. Nhưng những người chê bai kia lại không nghĩ được rằng, chính những điều họ nói sẽ làm nản lòng những người kiên trì với y đức, sẽ chuyển qua bệnh viện tư hay nghỉ việc. Điều đó kéo chất lượng y tế công ở ta ngày càng đi xuống.
Chẳng cần chúng ta lên tiếng vô cảm "không làm được thì nghỉ", bản thân nhân viên y tế trong nước đang nghỉ việc dần rồi. Trong khi đó, lực lượng y bác sĩ mới vẫn còn rất non trẻ, chất lượng chưa đủ tốt. Vậy ai sẽ là người chịu thiệt thòi ngoài người bệnh?
Bác sĩ làm việc tắc trách, bạn có thể gọi ngay cho đường dây nóng của bệnh viện, Bộ Y tế để phản ảnh. Nhưng đừng đòi hỏi họ lúc nào cũng phải niềm nở khi việc ngày càng nhiều, trách nhiệm ngày càng lớn, còn đồng lương chẳng đủ sống. Thế nên, chỉ cần y bác sĩ không tắc trách đã tốt rồi. Hãy thông cảm cho họ!
Có người bảo rằng chúng tôi đang khóc mướn cho bác sĩ chứ chẳng làm được gì. Đúng, chúng tôi chỉ có thể giúp an ủi tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ, ít nhất là lên tiếng cho sự công bằng mà họ xứng đáng được nhận, thay vì chỉ biết đòi hỏi họ phải phục dịch hết lòng với mức giá rẻ nhất. Còn ai bảo để kinh tế thị trường điều phối ngành Y thì thực tế bây giờ đang thể hiện đúng điều đó: nơi nào trả lương y bác sĩ thấp thì dịch vụ y tế ở đó ngày càng thấp; nơi lương trả lương cao thì ngược lại. Tóm lại, chất lượng dịch vụ luôn tương xứng với giá tiền mà khách hàng bỏ ra mà thôi.
Xét trên vấn đề vĩ mô, giáo dục và y tế phải thật sự chất lượng. Có nơi nào phát triển nào có y tế hoặc giáo dục yếu kém? Hiện giờ, ngành Y đang vận hành theo quy luật kinh tế thị trường. Điều đó khiến các bác sĩ giỏi lần lượt kéo ra bệnh viện tư làm việc để có thu nhập cao; còn bác sĩ học việc, ít kinh nghiệm mới ở lại bệnh viện công lương thấp. Cho nên, ai nhiều tiền sẽ được bác sĩ giỏi khám bệnh. Và hệ quả là con cháu chúng ta chịu hết.
Y tế công phục vụ đại đa số người dân hiện rất quá tải, lại còn bị "chảy máu nhân lực" do chế độ lương thưởng quá thấp. Tôi hy vọng, mọi người sẽ có cái nhìn thông cảm hơn cho nhân viên y tế, bớt đòi hỏi thái độ niềm nở của y bác sĩ hay phải ưu tiên cho mình mỗi khi vào viện. Đừng để những bác sĩ, y tá, điều dưỡng có tâm, có trình họ thêm chán nản, lo âu; đừng để thế hệ trẻ ngao ngán khi thấy nghề nghiệp mơ ước, lý tưởng của mình bị đem ra dè bỉu.
Quang Luat
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.