Căng thẳng tác động có lợi lẫn có hại đến cuộc sống, một chút ít căng thẳng được xem là có lợi vì tạo động lực tích cực. Nhưng căng thẳng quá nhiều dễ khiến bạn mất ngủ, có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh do thay đổi của hệ thần kinh, hệ nội tiết và hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu được tiến hành trên 858 phụ nữ ở Ba Lan để đánh giá tác động lâu dài của căng thẳng theo thời gian với tỷ lệ mắc ung thư vú. Những sự kiện có thể gây căng thẳng như người thân qua đời, ly hôn hay nghỉ hưu,... tình trạng sức khỏe, tiền sử gia đình và thói quen lối sống cũng được xem xét.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những phụ nữ trẻ phải chịu đựng những biến cố đau thương trong cuộc sống có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu tương tự trên 106.000 phụ nữ tuổi từ 16 trở lên tại Anh năm 2016 lại không thể tìm thấy bằng chứng về tần suất căng thẳng của các sự kiện bất lợi trong cuộc sống có thể gây ra ung thư vú.
Những kết quả trái ngược này khiến các nhà nghiên cứu không thể đưa ra kết luận căng thẳng mạn tính gây ra ung thư vú hay không. Họ cũng chưa lý giải vì sao cơ thể dễ bị ung thư do căng thẳng. Tuy nhiên, căng thẳng rõ ràng đang đóng vai trò gián tiếp trong sự phát triển của bệnh ung thư. Một số người có thói quen ăn nhiều chất béo, uống nhiều rượu bia để giải tỏa căng thẳng.
Dù chưa thể khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa căng thẳng và ung thư vú nhưng những thông tin khoa học hiện có ủng hộ giả thuyết căng thẳng có ảnh hưởng đến những người đã hoặc đang bị ung thư vú.
Ở quan điểm sinh học, căng thẳng có thể kích thích ung thư vú phát triển mạnh hơn hay thậm chí là di căn. Quá trình này bắt nguồn từ một hormone mà cơ thể con người tiết ra khi bị căng thẳng, có tên là norepinephrine. Norepinephrine có thể kích thích sự hình thành các mạch máu mới giúp nuôi dưỡng các tế bào ung thư cũng như thúc đẩy nhanh hơn sự di căn của các tế bào ác tính. Một mối liên hệ khác cũng được tìm thấy là hoạt động enzyme telomerase thường có trong tế bào ung thư tạo điều kiện cho sự tái phát hoặc lây lan ung thư.
Một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại Trung Quốc năm 2017 cho thấy phụ nữ bị ung thư vú có cuộc sống lâu hơn khi thực hiện chánh niệm để giảm căng thẳng. Trong khi đó, một nghiên cứu phân tích tổng hợp cho thấy lạm dụng rượu có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú. Điều này có thể hiểu căng thẳng gián tiếp có thể tác động đến ung thư vú.
Mối liên hệ giữa căng thẳng và sự phát triển của ung thư vú còn được làm rõ thêm qua một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, cho thấy mất ngủ là yếu tố nguy hiểm với những người đã bị ung thư. Mất ngủ do căng thẳng có liên hệ chặt chẽ với tỷ lệ sống sót thấp ở phụ nữ bị ung thư vú.
Kết quả của nghiên cứu về khả năng sống sót ở những bệnh nhân ung thư vú cho thấy những người có thể quản lý căng thẳng trong 10 tuần có tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể so với người không quản lý được căng thẳng. Tuy không thể chứng minh được giảm căng thẳng sẽ làm tăng khả năng sống sót ở bệnh nhân ung thư nhưng một số suy luận được rút ra. Nhưng nếu một người quá căng thẳng do bị ung thư, họ có thể bỏ lỡ việc thăm khám thường xuyên, dẫn đến bị ảnh hưởng về tổng trạng sức khỏe chung.
Người bệnh ung thư muốn đối phó với căng thẳng có thể thực hiện các biện pháp như châm cứu, trị liệu nhận thức hành vi, viết nhật ký, thiền, yoga, đi dạo...
Các nhà khoa học đang nghiêng về giả thuyết căng thẳng có thể ảnh hưởng đến việc tái phát ung thư. Nhưng những hệ quả căng thẳng như nghiện rượu, bỏ lỡ lịch khám bệnh thì lại rất rõ ràng vì những điều này có thể góp phần gây ra ung thư hoặc khiến kết quả điều trị trở nên kém hiệu quả.
Hoài Hương (Theo VeryWellHealth)