Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và nhân lên. Nam giới có niệu đạo dài hơn nữ giới nên ít bị hơn. Chỉ 3% nam giới trên toàn thế giới nhiễm trùng đường tiết niệu mỗi năm. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển ở nam giới thường được coi là phức tạp. Hầu hết bệnh ảnh hưởng đến bàng quang cũng như bất kỳ bộ phận nào của hệ thống tiết niệu như: niệu đạo (là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể), niệu quản và thận.
Đàn ông lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt sau 50 tuổi. Hầu hết trường hợp nhiễm trùng ở nam giới lớn tuổi là do vi khuẩn E.coli gây ra. Các trường hợp tương tự như nhiễm trùng tiểu ở nam giới trẻ tuổi thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) gây ra.
Nguy cơ phát triển nhiễm trùng đường tiết niệu tăng nếu người đó mắc bệnh tiểu đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo bất thường; không có khả năng tự kiểm soát việc đi tiểu; không có khả năng làm trống hoàn toàn bàng quang; không uống đủ nước; chưa được cắt bao quy đầu. Đàn ông có bất thường đường tiết niệu ngăn nước tiểu đào thải một cách bình thường hoặc khiến nước tiểu trào ngược vào niệu đạo cũng dễ bị bệnh.
Đàn ông bị nhiễm trùng tiểu có thể không có triệu chứng. Các triệu chứng xảy ra gồm: đi tiểu thường xuyên, đau hoặc không thể bắt đầu tiểu; dòng nước tiểu chậm hoặc rò rỉ; nước tiểu có máu hoặc đục, có mùi nồng.
Bệnh diễn tiến nặng còn có triệu chứng sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa, đau lưng. Những triệu chứng này cho thấy bệnh đã lan đến thận hoặc đường tiết niệu trên, cần được điều trị kịp thời. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng và thường sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Bên cạnh sử dụng thuốc do bác sĩ kê đơn, người bệnh nên kết hợp các biện pháp khắc phục tại nhà nhằm hỗ trợ điều trị nhiễm trùng tiểu như: uống nhiều nước, giữ vệ sinh bộ phận sinh dục, dùng bao cao su khi quan hệ và đi tiểu sau đó.
Hải My (Theo Medical News Today)