Trả lời:
Các lựa chọn điều trị ung thư tùy thuộc vào loại bệnh, mô bệnh, giai đoạn cụ thể, các yếu tố như tuổi tác, tác dụng phụ và các tình trạng khác. Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn dựa trên mục tiêu đạt kết quả tốt nhất về kiểm soát bệnh và ít nhất về tác dụng phụ, biến chứng. Điều trị có thể là loại bỏ ung thư, giảm nguy cơ tái phát, kéo dài tuổi thọ hoặc chăm sóc giảm nhẹ giúp cải thiện chất lượng sống.
Không ít người bệnh cho rằng ung thư mà can thiệp dao kéo sẽ làm bệnh phát triển nhanh hơn và tử vong sớm hơn. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm vì đối với đa số các loại ung thư, phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm. Theo ước tính có khoảng 70% người bệnh ung thư cần được điều trị phẫu thuật.
Suy nghĩ can thiệp dao kéo sẽ làm cho bệnh di căn này rất nguy hiểm vì làm cho bệnh nhân sợ và không quyết định phẫu thuật, bỏ qua cơ hội "vàng", thời điểm "vàng" để chữa khỏi. Trì hoãn phẫu thuật, khi nhập viện thì đã qua thời điểm "vàng" trong điều trị. Phẫu thuật ở giai đoạn sớm có thể loại bỏ khối u. Trong khi ở giai đoạn muộn, phẫu thuật thường để kiểm soát biến chứng của ung thư, chứ không thể chữa khỏi bệnh. Phẫu thuật lúc này là điều trị giảm nhẹ như loại bỏ một phần khối u gây đau, tắc nghẽn hoặc cản trở các quá trình khác trong cơ thể (phẫu thuật cầm máu, mở thông dạ dày nuôi dưỡng khi người bệnh không ăn uống được, phẫu thuật tắc ruột...).
Khi bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn thuận lợi, sau đó, bệnh vẫn có thể tái phát do bản chất tế bào ung thư có tính di căn và tái phát chứ không phải do đụng dao kéo làm ung thư di căn. Trong một số trường hợp, sau phẫu thuật, bệnh nhân không được điều trị bổ sung đúng cách nên bệnh có thể tái phát lại trong thời gian ngắn. Các nghiên cứu uy tín đã chỉ ra rằng, nếu bệnh ở giai đoạn sớm, khu trú mà không được phẫu thuật thì khả năng xuất hiện di căn sẽ cao hơn nhiều nhóm được mổ đúng chỉ định.
Phẫu thuật không phải là sự kết thúc điều trị mà là nền tảng cho các điều trị bổ sung tiếp theo và đem lại cơ hội chữa khỏi ung thư cao. Nhiều loại ung thư khi phát hiện sớm như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày... áp dụng phẫu thuật cắt bỏ khối u, kết hợp hóa xạ trị, ung thư được cải thiện, người bệnh có nhiều cơ hội khỏi bệnh. Do đó, khi bị ung thư, bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, chuẩn bị tâm lý vững vàng để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Phẫu thuật cũng được thực hiện để ngăn ngừa ung thư ở một số người có yếu tố nguy cơ cao hoặc có tiền ung thư. Ví dụ, người có nguy cơ di truyền rất cao phát triển ung thư vú có thể chọn phẫu thuật cắt bỏ vú để phòng ngừa. Những rủi ro của phẫu thuật (tùy thuộc vào loại khối u, vị trí, mức độ bệnh) như chảy máu, nhiễm trùng và biến chứng gây mê, tai biến y khoa là điều khó tránh trong điều trị bệnh. Trong những năm gần đây, tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật điều trị ung thư như nội soi, lazer, robot... cho phép phương pháp này loại bỏ khối u với ít biến chứng và thời gian hồi phục nhanh hơn.
Hóa trị và xạ trị cũng được áp dụng để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Hóa trị là dùng thuốc hoạt động can thiệp vào quá trình sinh sản và nhân lên của tế bào ung thư, thường áp dụng phổ biến cho bệnh ung thư máu như bệnh bạch cầu, u lympho. Một số trường hợp ung thư máu có thể chữa khỏi bệnh nhờ hóa trị. Nếu khối u không thể phẫu thuật do kích thước hoặc vị trí, hóa trị có thể làm giảm kích thước của khối u để phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được tiến hành sau phẫu thuật nhằm làm sạch tế bào ung thư còn sót lại, đồng thời giảm nguy cơ tái phát.
Hóa trị cũng được dùng đồng thời với xạ trị nhằm tăng khả năng đáp ứng với xạ trị của bệnh nhân. Phương pháp này cũng được sử dụng để kéo dài cuộc sống, làm giảm các triệu chứng ung thư khi không thể chữa khỏi. Đôi khi hóa trị có thể chữa khỏi các dạng u ác tính và gây tử vong nhanh chóng nhưng lại ít hiệu quả hơn đối với các khối u phát triển chậm hoặc "không hoạt động".
Phương pháp này thường gây nhiều tác dụng phụ như rụng tóc, buồn nôn và nôn, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, bệnh lý thần kinh ngoại biên, lở miệng, mất vị giác, vấn đề ở da và móng tay, tiêu chảy, mệt mỏi... Phần lớn các tác dụng phụ này sẽ hết sau kết thúc hóa trị.
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao hoặc chùm proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Bức xạ có thể được đưa vào cơ thể từ bên ngoài tương tự như máy X-quang hoặc chất phóng xạ được tiêm, cấy tạm thời hoặc vĩnh viễn vào cơ thể. Thông thường khi xạ trị ảnh hưởng cả tế bào lành xung quanh gây ra một số phản ứng phụ. Trong những năm gần đây, xạ trị được cải tiến hiện đại vượt bậc nhằm tăng cường tiêu diệt khối u với độ chính xác cao đồng thời giảm thiểu nhất thiệt hại cho các mô bình thường xung quanh khối u. Đó là các kỹ thuật xạ trị như xạ trị điều biến thể tích VMAT, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh IGRT, xạ phẫu định vị SBRT, xạ trị hạt nặng Proton therapy...
Khi phẫu thuật không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư hoặc tế bào di căn, xạ trị lập thể cơ thể (SBRT) có thể được sử dụng để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Ví dụ xạ trị vào thành ngực sau phẫu thuật cắt bỏ vú. Xạ trị cũng được kết hợp cùng hóa trị để giảm kích thước khối u trước khi phẫu thuật và áp dụng trong điều trị giảm nhẹ như giảm đau, giảm áp lực hoặc giải phóng các tắc nghẽn do ung thư gây ra.
Các tác dụng phụ ngắn của xạ trị thường gồm: mẩn đỏ, viêm da, viêm các tuyến, viêm vùng tiếp nhận bức xạ (ví dụ viêm phổi do bức xạ ở ngực) và mệt mỏi, vấn đề nhận thức do xạ trị toàn bộ não. Tác dụng phụ lâu dài là xơ teo các cơ quan ở vùng xạ trị và nguy cơ mắc ung thư khác.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội