Theo dõi vụ việc "Đập phá ôtô đỗ trước mặt tiền nhà" tại TP HCM vừa qua, tôi cũng kịch liệt phản đối hành vi phá hoại tài sản người khác của người chủ nhà trong đoạn video. Việc xử lý hình sự với người này với tội Cố ý làm hư hỏng tài sản cũng là không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự việc này, cũng nhiều trường hợp tương tự khác diễn ra trong suốt thời gian qua cũng cho thấy nhiều bất cập còn tồn tại trong việc quy định dừng đỗ xe trên đường.
Đường là sử dụng cho giao thông cộng đồng và mọi người phải chấp hành đúng quy định của luật pháp, song cũng cần làm rõ một vài khía cạnh sau:
1. Với nhiều tuyến đường có chiều rộng vỉa hè rất hẹp (dưới hai mét) thì khi tài xế đậu ôtô trước cửa (dù đoạn đường không có biển cấm đậu) thì gia chủ sẽ ra vào thế nào?
2. Kể cả những nơi vỉa hè rộng nhưng chủ nhà có xe ôtô để trong nhà thì khi bị xe khác đỗ trước cửa thì làm sao để đánh xe ra vào?
3. Thực tế cuộc sống, mỗi người một ngành nghề, mỗi người một điều kiện sống, có người mở cửa hàng kinh doanh nhưng bị xe đỗ án ngữ trước cửa thì việc buôn bán của người ta sẽ thế nào?
>> Đòn thù 'tạt sơn ôtô đỗ trước mặt tiền nhà'
Tôi cho rằng, luật nào cũng phải xuất phát từ thực tế và bám sát với thực tiễn đời sống hiện tại. Vì thế, tôi mong cơ quan chức năng cần xem xét thật thấu đáo mọi khía cạnh để đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân. Cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ nơi nào, điều kiện nào (độ rộng của đường, vỉa hè, mật độ dân cư và lưu lượng xe qua lại ra sao) mới được đỗ xe? Phần nữa, tất cả phương tiện (trừ xe công vụ) khi đậu đỗ bên đường đều phải trả phí.
Cần quy định rõ, việc đỗ xe phải tuyệt đối không được ảnh hưởng lối ra vào của chủ nhà. Chúng ta cần hoàn thiện quy định để không xảy ra tranh chấp không đáng có giữa tài xế ôtô và chủ nhà như thời gian qua.
Nhiều nước đã áp dụng quy định khi chủ nhà có ôtô thì chính quyền địa phương cấp biển cấm đỗ xe trước cửa nhà cho họ. Điển hình tại Pháp, nên rất ít khi xảy ra xung đột lợi ích giữa người lái ôtô và chủ nhà. Tôi cho rằng, Việt Nam cũng nên sớm nghiên cứu và áp dụng theo như vậy.
Tôi nghĩ rằng, trừ những tuyến phố thỏa mãn nhu cầu đỗ xe mà không ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Chính quyền, các cấp ban ngành nên đầu tư (kể cả xã hội hóa) các điểm trông giữ xe có thu phí, vừa tạo việc làm cho xã hội, vừa bảo đảm an ninh, trật tự, lại góp phần hạn chế lưu lượng xe cá nhân tham gia giao thông, giảm ùn tắc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.