Câu chuyện đỗ xe trước mặt tiền nhà có vẻ không còn quá xa lạ với người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM - nơi tấc đất được xem như tấc vàng và mặt tiền gắn liền với nguồn sống của không ít gia đình. Từ chuyện sống bám lấy mặt tiền, người ta dần nảy sinh tính ích kỷ, đố kỵ, ác cảm với tất cả những người cản trở việc sinh hoạt, làm ăn, buôn bán của họ. Chuyện một tài xế từ đâu đem xe đến đậu trước mặt tiền nhà là một trong những điều gây chướng tai gai mắt nhất.
Câu chuyện dưới đây đang được chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội. Chuyển về sinh sống tại đây được một tháng, thấy ngõ rộng, lại không cấm ôtô, đầu ngõ luôn có xe đỗ cả ngày lẫn đêm, không ảnh hưởng đến người qua lại, nên chủ nhân chiếc xe bốn chỗ hiệu Kia có cho xe đỗ ở đầu ngõ một đêm (do tối hôm trước về muộn và hôm sau phải đi sớm).
Tuy nhiên, 7h sáng hôm sau, khi ra lấy xe đi làm, nữ tài xế tá hỏa khi thấy kính lái bị tạt sơn đỏ lênh láng. Tìm gặp chủ nhà nơi mình đỗ xe để xin trích xuất camera tìm thủ phạm, tuy nhiên nữ tài xế chỉ nhận được cái lắc đầu kèm lời nhắc nhở: "Từ nay né chỗ đỗ sát nhà anh ra vì trước đó đã có nhiều xe bị bẻ gương, gạt kính tại đấy". Nhắn tin cho tổ trưởng mong trợ giúp nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn là bao, nữ tài xế đành ngậm đắng chịu trận, viết bài cầu cứu.
Không ít lần, người ta đem cả cái lý lẫn cái tình để phân bua chuyện ai đúng, ai sai khi đỗ xe trước cửa nhà người khác. Và gần như những tranh cãi vẫn chưa có điểm dừng. Người có ôtô vin vào luật không cấm để khẳng định mình đỗ xe không sai. Trong khi người có nhà mặt tiền đường lại có hàng trăm lý luận khác để cho rằng mình bị ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng.
>> Cấm đỗ xe mặt tiền nhà - 'phép vua thua lệ làng'
Hàng chục năm qua, chúng ta vẫn chưa có những thay đổi hay bổ sung gì về luật, khiến mâu thuẫn này ngày một gay gắt. Và rồi khi không thể giải quyết mẫu thuẫn trên cơ sở hợp tác, người ta chuyển qua đối đầu lẫn nhau: nhẹ thì tự treo biển cấm đỗ; nặng thì đe dọa, chửi bới; thậm chí là dùng đòn thủ như phá hoại tài sản, hành hung nhau... vì chỗ đỗ xe.
Chứng kiến câu chuyện trên, một mặt, tôi thấy thương cho nữ tài xế thân cô thế cô, một mình phải chống lại những cái nhìn vốn đã ác cảm của người xung quanh về việc đỗ xe trước nhà người khác. Mặt khác, tôi lại thấy giận trước sự thờ ơ của xã hội khi trắng - đen bị đảo lộn, người bị hại (bị tạt sơn) lại bị đám đông dè bỉu, hả hê, bình luận theo kiểu: "như thế là xứng đáng", "ai bảo đỗ xe không nhìn", "cho chừa cái tội đỗ xe trước nhà người khác"... Chẳng lẽ, sự tức giận đã biến người ta trở nên tàn nhẫn với đồng loại như thế?
Chưa biết ai là thủ phạm trong sự việc trên, bởi điều đó có lẽ cần cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ. Nhưng thứ tôi thấy bất an hơn cả là liệu có khi nào mình cũng sẽ trở thành nạn nhân của sự vô cảm ấy không? Mục đích của luật pháp sau cùng vẫn là phân định rõ đúng - sai, từ đó điều chỉnh hành vi của người dân theo hướng tích cực.
>> Tôi bị gọi là 'vô văn hóa' vì đỗ xe trước cửa nhà người khác
Nhưng cuộc sống luôn vận động không ngừng, sẽ có nhiều khía cạnh pháp luật chưa thể theo kịp với thời đại, cần phải được bổ sung, điều chỉnh từ những góp ý, xây dựng của người dân. Còn việc xem thường luật pháp, vị vào những mặt thiếu sót ấy để cho mình cái quyền thay trời hành đạo, thì ở thời đại nào cũng cần bị lên án và tẩy chay.
Nếu cứ cho rằng hành vi đỗ xe trước mặt tiền nhà người khác là thiếu văn hóa (theo lý luận của một số người) thì tôi tự hỏi, hành vi tạt sơn, bẻ gương, cào xe người khác để trả đũa có được xem là văn hóa hay không? Chúng ta nghĩ gì về hành vi đó? Nếu tự cho mình là một người văn minh, hành xử có văn hóa, liệu bạn có dám đứng lên phản đối hành vi đó không, hay nhắm mắt làm ngơ, hoặc tệ hơn là cười thầm trong bụng?
Sẽ cần nhiều thời gian để pháp luật có những điều chỉnh sao cho hài hòa được lợi ích giữa người lái ôtô với người có nhà mặt tiền trong câu chuyện này. Nhưng từ giờ tới lúc đó, tôi hy vọng người Việt hãy tự tập cho mình thay đổi về nhận thức, tư tưởng và hành vi của bản thân. Đừng lấy cái sai của người khác làm cái cớ để bao biện và dung túng cho việc làm sai trái của mình.
Trọng Nam Phí
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.