Những hình ảnh dưới đây được người dùng mạng xã hội chụp lại trên phố Đỗ Quang, Hà Nội và đăng tải trên Facebook ngày 25/8. Theo đó, trên phần vỉa hè trước một ngôi nhà trên con phố này, xuất hiện một hàng cọc sắt nhọn được đóng thành hàng như bàn chông để ngăn ôtô đỗ chắn cửa. Hình ảnh này khiến nhiều người đi qua phải rùng mình sợ hãi.
Chứng kiến cảnh tượng này, cá nhân tôi thực sự thấy bức xúc. Đồng ý là việc bị ôtô đỗ chắn cửa khiến nhiều người khó chịu. Nhưng đến mức tạo nên những cái bẫy chết người thế này thì không còn lời nào có thể bào chữa được. Cứ hình dung nếu trời tối, vỉa hè vốn đã hẹp, lại được lát đá trơn, nếu một người đi bộ ngang qua không may bị trượt chân ngã xuống (đặc biệt là trẻ con và người già), bị những chiếc cọc sắt này đâm trúng vào người, thì hậu quả sẽ nghiêm trọng đến mức nào?
>> Khi gia chủ đập phá ôtô đỗ trước mặt tiền nhà
Tôi không bao che cho những tài xế đỗ ôtô vô ý thức, bởi nếu nhìn từ một góc độ khác, con ngõ này vốn đã chật hẹp, nay lại bị thêm mấy chiếc ôtô đỗ chắn lối thì làm sao người dân đi lại, sinh hoạt bình thường được? Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta được lấy một cái sai khác ra để xử lý cái sai của tài xế. Hành động này chẳng khác nào một kiểu "ăn miếng trả miếng", trả thù thâm độc, chứ chẳng có giá trị gì về mặt nhân văn hay thượng tôn pháp luật cả.
Nếu hành động đỗ xe chắn cửa đáng bị xử phạt thì hành vi đóng cọc sắt trong trường hợp này cũng cần phải bị lên án và xử lý nghiêm trước pháp luật. Tính mạng con người không phải là thứ mà bất kỳ ai cũng được lấy ra để làm công cụ trả thù cá nhân.
Ôtô đỗ chắn cửa từ lâu đã là cái gai trong mắt nhiều người có nhà mặt tiền đường. Thời gian qua, người ta nghĩ ra đủ các biện pháp để ngăn cản hiện tượng này, từ treo biển cấm đỗ xe, đặt vật cản, tự vẽ vạch kẻ đường... và giờ là đóng bẫy chông lên vỉa hè. Không biết rồi tới đây, người Việt sẽ còn làm những gì để giải quyết cuộc khẩu chiến mãi không có hồi kết này nữa?
Có lẽ, đã đến lúc câu chuyện đỗ xe bên lề đường tại các thành phố lớn cần được cơ quan chức năng vào cuộc tìm cách gỡ rối. Chúng ta cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về hành vi này, để vừa tạo công bằng về quyền lợi cho các bên, vừa tránh xảy ra những kiểu trả đũa qua lại như thế này. Một thành phố, một đất nước không thể văn minh nếu con người vẫn ngày ngày đấu đá, tranh giành và hành xử với nhau theo kiểu luật rừng.
Thành
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.