"Cuối tuần của mọi người là nghỉ ngơi. Còn với tôi, chúng đơn giản là chuyển địa điểm làm việc", Liên, 27 tuổi, cựu nhân viên một công ty truyền thông ở Hoàng Mai (Hà Nội) nói.
Cô nói chuyện hoãn kế hoạch riêng để giải quyết công việc vào ngày nghỉ "thường xuyên như cơm bữa". Chế độ của công ty quy định nhân viên kiểm duyệt nội dung như Liên làm 6 ngày, nghỉ chủ nhật. Thực tế mọi người đều phải nhận việc bất kể giờ giấc.
Ngày mới đi làm, cô cho rằng thỉnh thoảng giải quyết việc đột xuất có thể tạo ấn tượng với cấp trên, dễ thăng tiến. Cũng vì thói quen ngại từ chối, Liên thường xuyên phải mang laptop mỗi khi ra ngoài. Mỗi lần đi du lịch, cô chỉ yêu cầu điểm đến cần có sóng điện thoại, Wi-Fi và ổ cắm điện để tiện làm việc.
Ngày cuối tuần của chị Thanh Hà, 38 tuổi, quận Hà Đông (Hà Nội) cũng biến mất sau đại dịch. Nữ kế toán thừa nhận từng không ngại nhận việc vào thứ 7 và chủ nhật vì sau đó có thể sắp xếp những khoảng nghỉ trong tuần. Mọi chuyện vượt tầm kiểm soát khi các đợt giãn cách kết thúc. Ngoài giờ hành chính, chị liên tục phải duyệt hợp đồng mua bán, quyết toán doanh thu vào cuối tuần do lãnh đạo quen cách làm việc cũ.
Để có thời gian cho gia đình, chị Hà thức suốt đêm thứ 6 để hoàn tất mọi việc. Trong trường hợp về quê hoặc đi du lịch, chị mang theo máy tính, luôn trong trạng thái sẵn sàng bị giao việc.
"Đi chơi cùng chồng con mà tôi luôn uể oải bởi thiếu ngủ và lo lắng bị gọi. Tôi không muốn nhận vài trăm nghìn đồng tiền phụ cấp để đổi lấy thời gian nghỉ ngơi", Hà nói.
Tình trạng "bị đánh cắp cuối tuần" cũng xảy ra với các quản lý cấp trung. Thế Hiển, 32 tuổi, trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu ở TP HCM là ví dụ.
Ngoài tìm kiếm khách hàng, lập chiến lược phát triển, cứ cuối tuần anh lại được sếp ủy thác đi gặp gỡ các đối tác quan trọng. "Tôi muốn được nghỉ ngơi nhưng không dám từ chối", anh nói.
Nghiên cứu trên 134.260 nhân viên tại hơn 900 tổ chức trên toàn cầu của hãng phần mềm ActivTrak công bố cuối năm 2022 chỉ ra mọi người làm việc trung bình 6,6 tiếng mỗi cuối tuần, tăng 5% so với năm 2021. Trong đó, nhân sự lĩnh vực phần cứng máy tính có khối lượng công việc cuối tuần tăng mạnh nhất (31%), lên 11,5 tiếng.
Chỉ số Xu hướng công việc của Microsoft công bố hồi cuối tháng 3 cho thấy số nhân viên làm việc cuối tuần tăng 14% so với 2020. Khi đo lường thời gian trung bình dành cho ứng dụng Teams, đơn vị cũng phát hiện khối lượng lớn công việc đang diễn ra vào cả cuối tuần.
Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về tình trạng lao động làm việc vào cuối tuần. Ông Lê Quang Trung, nguyên Cục phó Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, khẳng định đây là một thực tế phát triển mạnh sau hai năm dịch bệnh. Nguyên nhân được cho là nhiều công ty phải tăng năng suất hoạt động nhằm phục hồi kinh tế.
Khảo sát gần 700 độc giả của VnExpress hôm 4/4 bổ sung cho điều ông Trung vừa nói. Với câu hỏi "Bạn có thường xuyên phải làm việc vào cuối tuần không", 55% nói rất thường xuyên, 30% thi thoảng khi có việc đột xuất và 20% nói không.
Ông Lê Khang, quản lý một một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP HCM có gần 400 nhân viên, thừa nhận khoảng 20% người lao động thường làm việc vào cuối tuần.
Chị Lệ Chi, 35 tuổi, trưởng bộ phận của công ty truyền thông tại Đồng Nai, cũng tiết lộ 100% nhân viên phải làm việc xuyên cuối tuần, lễ Tết do tính chất công việc. "Họ có thể tự sắp xếp và nghỉ ngơi phù hợp, miễn sao hoàn thành nhiệm vụ", chị nói.
Ông Lê Quang Trung chỉ ra bốn nguyên nhân khiến nhiều lao động phải làm việc cả cuối tuần. Một là, dịch bệnh làm thay đổi thói quen làm việc; hai là một số doanh nghiệp tư nhân vì muốn tăng lợi nhuận nên cố tình phạm luật; ba là người lao động không hiểu rõ quyền lợi của chính mình hoặc không dám từ chối vì sợ bị đánh giá, đuổi việc và cuối cùng là các cơ quan quản lý nhà nước chưa giám sát chặt chẽ.
Bổ sung nguyên nhân, PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng giao việc ngày cuối tuần cũng có thể đến từ văn hóa công ty hoặc cách quản lý của từng lãnh đạo. "Dù là hình thức hay lý do nào, việc chiếm dụng thời gian nghỉ ngơi của nhân viên là vi phạm pháp luật, thiếu tính nhân văn", ông Cương nói.
Tình trạng này kéo dài khiến người lao động kiệt sức, căng thẳng, giảm năng suất và có thể xin nghỉ việc, khiến doanh nghiệp phải chảy máu chất xám và doanh thu sụt giảm.
Làm việc trong cường độ cao liên tục khiến Ngọc Liên giảm 10 kg sau ba năm đi làm, mặt thường xuyên nổi mụn, tóc rụng và hay ngất xỉu vì kiệt sức. "Không biết nó làm để sống hay để chết", mẹ của Liên trách.
Thừa nhận giao việc cho nhân viên vào ngày cuối tuần là sai luật, chị Lệ Chi lại cho rằng đây cách duy nhất để thúc đẩy doanh thu. "Chúng tôi hiểu nhân viên cần nghỉ ngơi nhưng hiện công ty gặp khó khăn, chỉ có tăng giờ làm việc mới đảm bảo lợi ích cho đôi bên", chị nói và khẳng định "nếu không thể đáp ứng yêu cầu, người lao động có thể xin nghỉ".
Đây cũng là điều PGS. TS Đỗ Minh Cương cảnh báo. "Tâm lý chung của người Việt là đặt gia đình lên hàng đầu. Khi người lao động cảm thấy công việc cản trở chuyện chăm lo cho gia đình, nghỉ việc là sớm muộn", chuyên gia nói.
Nguyên Cục phó Việc làm khẳng định Luật Lao động 2019 đã quy định rõ giờ làm việc bình thường không quá 8 tiếng một ngày và 48 giờ một tuần nên mọi doanh nghiệp, đơn vị cần tuân thủ luật lao động, vạch rõ ranh giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên. Trong trường hợp buộc phải tăng ca vào cuối tuần cần sắp xếp thời gian nghỉ bù, chế độ phụ cấp để người lao động phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cũng theo ông Trung, cơ quan bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động, cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.
Người lao động cũng cần làm rõ các điều khoản về thời gian nghỉ, khối lượng công việc khi thỏa thuận việc làm. Nếu nhận thấy cấp quản lý có dấu hiệu vi phạm luật lao động, nhân viên có thể kiến nghị lên công đoàn của công ty hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp để được hỗ trợ.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết dựa theo các quy định của Luật lao động hiện hành, khi cơ quan tổ chức làm thêm phải nhận được sự đồng ý của người lao động. Khi người sử dụng lao động huy động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định thì sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 75 triệu đồng đối với cá nhân và tùy vào quy mô người lao động vi phạm. Với tổ chức mức xử phạt gấp đôi.
Không có thời gian chăm sóc con, quán xuyến việc nhà, khiến chị Thanh Hà bị bố mẹ hai bên trách mắng, vợ chồng xảy ra xung đột. "Mục đích của đi làm là để con cái có cuộc sống tốt, phụ chồng lo kinh tế. Nếu tôi không làm tròn trách nhiệm và bổn phận của một người mẹ, người vợ thì nên nghỉ việc", chị nói. Hiện chị ở nhà trông con trai 5 tuổi và tìm công việc bán thời gian.
Sau ba năm "gồng mình" mỗi cuối tuần, mới đây Ngọc Liên đã đầu quân cho một công ty nước ngoài. Khối lượng công việc và áp lực tương đương cơ quan cũ, nhưng Liên nói hài lòng bởi chế độ đãi ngộ tốt, lãnh đạo luôn tôn trọng thời gian làm việc và cuộc sống riêng tư của nhân viên.
"Lần đầu tiên tôi được ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, được tận hưởng cảm giác đi chơi mà không lo sợ bị sếp giao việc", Liên kể.
Quỳnh Nguyễn
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.