Chia sẻ về bài viết "Luật bất thành văn", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự đồng cảm với thực trạng người lao động cam chịu khi bị các doanh vắt kiệt sức lực:
Cuối buổi hết giờ nhân viên không dám ra về vì sếp canh ngay cổng. Tôi từng bị sếp yêu cầu làm hết việc mới được về chứ không phải hết giờ như hợp đồng lao động (việc thì khi nào mới hết?). Lương được tính làm 2 bảng lương khác nhau, một để đóng bảo hiểm, một cái gọi là KPI nhưng thực chất là lách luật. Khi tăng ca thì tính theo lương đóng bảo hiểm. Còn nhớ thời điểm đó với lương của tôi mỗi giờ khoảng 120 nghìn đồng/ giờ nhưng nếu tăng ca thì chỉ có khoảng 20 nghìn đồng/ giờ. Tiền họ, họ muốn trả thế nào là việc của họ, có đòi cũng khó. Chi bằng nghĩ cách tự bảo vệ mình. Kiếp làm thuê nó vậy đó các bạn. Tôi đã lựa chọn giữa lương cao và sức khỏe, sau 1,5 năm đi làm ở khu công nghiệp là nghỉ việc rồi tính tiếp.
Việc giảm giờ làm cho công nhân chỉ là cái ngọn của vấn đề, mọi người rồi cũng sẽ "tự nguyện" tăng ca làm thêm thôi. Vẫn con người và hệ thống ấy, đã còn phải cày lưng tăng ca, không dám nghỉ nửa tiếng để đảm bảo năng suất, thử hỏi nếu giảm giờ làm, doanh nghiệp có tính lại bài toán năng suất rồi ép năng suất để đảm bảo khối lượng công việc như xưa? Người phản đối giảm giờ làm cho công nhân thì chỉ có doanh nghiệp, chứ bản thân người lao động, ai mà không muốn phần tốt về cho mình.
Thực tế không chỉ đúng với các trường hợp công nhân. Ngay cả dân văn phòng, đi làm cho doanh nghiệp tư nhân, một tháng được một ngày nghỉ phép, mà cũng chẳng dám nghỉ, hay bị làm thêm giờ thì phải tính lương 150%. Vì xung quanh không ai nghỉ, nên cũng chẳng dám đòi hỏi quyền lợi - được ghi trong luật. Mà nếu có đòi hỏi, thì ở rất nhiều doanh nghiệp tư nhân, chẳng có tổ chức nào bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động cả. Thế nên là luật vẫn chỉ là luật thôi. Thực tế khác.
Điều này tôi thấy ở hầu như tất cả doanh nghiệp, nhân viên văn phòng cũng vậy, ngay cả ở các doanh nghiệp được đánh giá là môi trường làm việc tốt. Hầu như lao động nữ phải chấp nhận chịu thiệt vì không muốn bị vào danh sách nguy cơ sa thải, bị đánh giá thấp, bị trừ lương thậm chí ít được tăng lương. Họ phải chấp nhận tăng ca không lương dù cho sức khỏe thế nào thì họ cũng bị buộc xem là chuyện cá nhân, chỉ của họ mà thôi. Vì lý do đơn giản họ muốn được "an toàn" và " bình yên" để có việc làm.
Dân châu Á nói chung, cả người lao động Việt Nam nói riêng, đã làm việc cho công ty, dù là dân văn phòng đến công nhân, đều bị vắt sức lao động, làm đến tối mịt mới về nhà, làm gì còn thời gian lo cho con cái và gia đình.
Biết là công ty làm trái luật, nhưng người lao động vẫn cho qua bởi vì đồng lương quá thấp, nhất là đối với anh em làm công trình, một tháng tăng ca hơn 100 giờ, chưa tính giờ làm thêm ngày chủ nhật. Số lương tăng ca thường hơn cả lương chính thức, có khi gấp đôi, cố gắng thêm vài triệu gửi về cho gia đình ở quê. Đấu tranh thì chấp nhận thôi việc, bởi công ty có bao cách gây áp lực, đơn giản là thuyên chuyển công tác ngồi chơi xơi nước, không tăng ca, lương 4-5 triệu sao đủ sống, phải tự thôi việc....
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.