Tai có cơ chế tự làm sạch tự nhiên, việc nhai và cử động hàm sẽ đẩy ráy tai từ trong ống tai ra tai ngoài. Vệ sinh tai quá thường xuyên có thể khiến khô và ngứa, làm mất lớp sáp bảo vệ trước vi khuẩn, bụi bẩn. Do đó, thông thường, bạn không cần thiết phải làm sạch ráy tai.
Tuy nhiên, khi ráy tai tích tụ quá nhiều cùng với bụi bẩn, da chết làm tắc nghẽn tai, giảm thính lực và có thể nhiễm trùng gây đau nhức... Cách tốt nhất là bạn nên đến bác sĩ để làm sạch ráy tay với các dụng cụ chuyên dụng và phương pháp an toàn. Nhưng nếu chưa thể đến bác sĩ, bạn cũng có thể vệ sinh tai tại nhà theo một số gợi ý từ Medical News Today.
Dùng khăn ấm: Bạn làm ướt một miếng vải hoặc khăn giấy bằng nước ấm, sau đó, vắt khô để làm sạch các vùng bên ngoài của tai. Không cố gắng lấy ráy tai ra bằng cách nhét khăn hoặc vật cứng vào trong tai.
Dung dịch nhỏ tai: Bạn có thể dùng các dung dịch, các loại thuốc nhỏ tai để làm lỏng ráy tai tích tụ và loại bỏ nó dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, bạn nên cẩn trọng, hỏi trước ý kiến của bác sĩ.
Nhiều người có thói quen dùng tăm bông để ngoáy, làm sạch tai. Tuy nhiên, việc này có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn bên trong, gây tắc nghẽn và nhiễm trùng, làm chậm quá trình loại bỏ ráy tai tự nhiên, gây tổn thương màng nhĩ. Đôi khi đầu tăm bông bị kẹt trong tai sẽ ảnh hưởng thính giác, gây đau tai. Bạn không nên dùng bất kỳ vật gì đưa trực tiếp vào tai để cố lấy ráy tai ra ngoài, vì có thể gây thương tích và đẩy ráy tai xuống sâu hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu tắc ráy tai và không cảm thấy thoải mái khi sử dụng các phương pháp vệ sinh tại nhà. Khi có các dấu hiệu của nhiễm trùng tai như đau trong hoặc xung quanh tai, chảy dịch tai, khó nghe... mọi người nên đi khám để điều trị.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)